Asset Publisher Asset Publisher

Thông tin các ngành đào tạo bậc Đại học của Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường

28 tháng 4, 2017

I. Ngành Quản lý tài nguyên rừng

1. Ngành đào tạo

          Tiếng Việt: Quản lý tài nguyên rừng

          Tiếng Anh: Forest Resources Management

2. Mã ngành:               52620211

3. Thời gian đào tạo:     4 năm

4. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 132 tín chỉ

5. Loại hình đào tạo: Chính qui

6. Mục tiêu đào tạo:

Đào tạo kỹ sư Quản lý tài nguyên rừng có phẩm chất chính trị, có đạo đức tư cách, có đủ trình độ, năng lực, ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của xã hội trong sự nghiệp phát triển nông thôn, bảo vệ phát triển tài nguyên rừng với chức năng chủ yếu: Quy hoạch quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; Điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh hại rừng, phòng chống cháy rừng, thiết kế và tổ chức chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại và lửa rừng; Xây dựng và tổ chức thực hiện giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên rừng; Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý lưu vực, quản lý môi trường rừng; Giám sát, đánh giá diễn biến tài nguyên rừng và môi trường.

Sinh viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng:

6.1. Kiến thức

  • Đặc điểm sinh vật học và các nguyên tắc cơ bản trong phân loại và nhận biết các loài thực vật, động vật, côn trùng và vật gây bệnh cây rừng.
  • Nguyên lý, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường.
  • Kiến thức cơ bản về xã hội, về pháp luật, chính sách phục vụ công tác bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường.
  • Đạt trình độ TOEIC 400 tiếng Anh hoặc chứng chỉ tương đương. Có kiến thức về tin học ứng dụng trong xử lý văn bản, xử lý số liệu, trình diễn kết quả học tập và nghiên cứu khoa học.
  • Có khả năng tự học tập để nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, đủ điều kiện về chuyên môn để học tiếp bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ ở trong và ngoài nước

6.2. Kỹ năng

  • Nhận biết và phân loại được các loài thực vật rừng phổ biến, các loài có giá trị cao về kinh tế và bảo tồn. Sử dụng khóa định loại động vật, nhận biết và mô tả được động vật rừng thuộc lớp ếch nhái, bò sát, chim thú của Việt Nam. Nhận biết và mô tả được các loài sâu bệnh hại chủ yếu.
  • Điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến tài nguyên rừng bao gồm tài nguyên thực vật, động vật, côn trùng, nấm, vi sinh vật. Điều tra đánh giá xói mòn đất và nguồn nuớc vùng đầu nguồn.
  • Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý tài nguyên rừng, quản lý lưu vực, quản lý môi trường phục vụ công tác: Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài nguy cấp; Bảo vệ thực vật; phòng chống xói mòn và điều hòa nguồn nước cho vùng đầu nguồn; Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý lửa rừng.
  • Giao tiếp và làm việc theo nhóm. Có khả năng sử dụng các phần mềm ứng dụng phổ biến trong quản lý tài nguyên và quản lý môi trường.

7. Vị trí việc làm của kỹ sư sau khi tốt nghiệp

  • Các cơ quan quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ như Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên…
  • Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên rừng và môi trường các cấp, như Cục Kiểm Lâm, Sở Tài nguyên môi trường, Cơ quan Hải quan ...
  • Các doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VinaFor), Tổng công ty giấy…
  • Cảnh sát môi trường các cấp.
  • Các tổ chức phi chính phủ như WWF, ENV, Birdlife, IUCN,SNV,FFI…
  • Cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu có giảng dạy và nghiên cứu về chuyên ngành tài nguyên rừng và môi trường.

II. NGÀNH KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG - (ENVIRONMENTAL SCIENCE)

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 thế giới về thiệt hại do biến đổi khí hậu. Mặt khác, mặt trái của phát triển kinh tế đã tác động xấu đến môi trường sống của con người, khiến vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

1. Ngành đào tạo

- Tiếng Việt: Khoa học môi trường.

- Tiếng Anh: Environmental Science.

2. Mã ngành: 52440301.

3. Thời gian đào tạo: 04 năm.

4. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 139 tín chỉ.

5. Loại hình đào tạo: Chính qui tập trung.

6. Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân Khoa học môi trường.

6.1. Về kiến thức

       Khoa học môi trường là ngành nghiên cứu nguồn gốc, các phản ứng, vận chuyển và chuyển hóa các chất trong môi trường; nghiên cứu ảnh hưởng của các hoạt động con người lên môi trường đất, nước, không khí và sinh vật. Mục đích cuối cùng của ngành này là bảo vệ và cải thiện môi trường sống của con người trên Trái Đất. Do đó, đối tượng nghiên cứu cụ thể của khoa học môi trường là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cũng như môi trường nhân tạo trong mối quan hệ tương hỗ giữa sinh vật và con người.

Sinh viên theo học ngành Khoa học môi trường, sau khi tốt nghiệp sẽ có:

- Kiến thức cơ bản về khoa học môi trường và tài nguyên.

- Kiến thức về các nguyên tắc và cách tiếp cận cơ bản trong quản lý môi trường; các phương pháp tiếp cận trong phân tích và quản lý môi trường.

- Kiến thức về nguyên lý cơ bản trong công nghệ và kỹ thuật môi trường.

- Kiến thức về nhận biết, phân tích và đánh giá tác động môi trường trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội; các cách tiếp cận, nguyên tắc và trình tự thực hiện qui hoạch môi trường.

- Đạt trình độ C Anh văn hoặc chứng chỉ tương đương; có kiến thức về tin học ứng dụng trong xử lý số liệu môi trường, xử lý văn bản, trình diễn kết quả học tập và nghiên cứu khoa học.

6.2. Về kỹ năng

Sinh viên theo học ngành Khoa học môi trường, sau khi tốt nghiệp sẽ có các kỹ năng sau:

- Kỹ năng thu thập thông tin môi trường và vận dụng các phương pháp tiếp cận công cụ quản lý môi trường để giải quyết các vấn đề môi trường. Ngoài ra, sinh viên còn có khả năng áp dụng và triển khai các văn bản pháp qui, tiêu chuẩn/qui chuẩn môi trường của Nhà nước trong bảo vệ môi trường.

- Có kỹ năng phân tích, đánh giá được các chỉ tiêu môi trường chủ yếu.

- Có khả năng áp dụng một số công nghệ phổ biến trong quản lý môi trường, đề xuất và lựa chọn mô hình xử lý ô nhiễm môi trường.

- Có khả năng đánh giá và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội gây ra, có khả năng đề xuất phương án qui hoạch môi trường cho một khu vực cụ thể.

- Có khả năng thiết kế các công trình bảo vệ môi trường và sinh thái cảnh quan, mô hình xử lý ô nhiễm môi trường. Có khả năng làm việc độc lập và hợp tác theo nhóm. Có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng phổ biến trong quản lý môi trường.

7.  Cử nhân môi trường làm gì?

Cử nhân môi trường luôn là những người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường, góp sức mình và giúp mọi người cùng tháo gỡ những thách thức môi trường hiện nay. Họ không chỉ làm việc trong phạm vi đất nước mình mà còn ở khu vực, thậm chí trên toàn cầu.

Công việc của  cử nhân môi trường rất đa dạng và linh hoạt:

Nghiên cứu những đặc điểm của các thành phần môi trường tự nhiên hoặc môi trường nhân tạo (khu công nghiệp, đô thị, nông thôn…).

Nghiên cứu mối quan hệ và tác động qua lại giữa con người với các thành phần của môi trường sống, từ đó tư vấn cho Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội nhằm hạn chế những tác động xấu tới môi trường mà vẫn có thể đem lại lợi ích…

Nghiên cứu các công cụ quản lý môi trường với các biện pháp về kinh tế, cũng như các biện pháp về pháp luật, xã hội, nhằm bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của vùng, quốc gia cũng như toàn cầu.

Tư vấn cho các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện chính sách về môi trường sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, khai thác tài nguyên hợp lý nhất.

Cử nhân môi trường là thành viên của các nhà máy với nhiệm vụ tham gia vào quá trình đảm bảo chất lượng môi trường ở địa bàn hoạt động, giúp nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn về nước thải, khí thải hay rác thải trước khi thải ra môi trường.

Cử nhân môi trường làm việc ở đâu?

Mọi hoạt động sinh hoạt, giải trí, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất của con người đều liên quan mật thiết đến môi trường. Bởi vậy, nơi đâu cũng cần đến những nhà môi trường giỏi và tâm huyết với sự nghiệp giữ gìn màu xanh cho "hành tinh xanh".

- Các cơ quan quản lý, nghiên cứu về môi trường

Trước tiên, bạn có thể làm việc trong các cơ quan quản lý về môi trường của Nhà nước. Hiện nước ta có một hệ thống các cơ quan về môi trường từ trung ương đến địa phương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, các sở tài nguyên môi trường tại các tỉnh, thành phố…, Cảnh sát môi trường. Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các trường đại học, cao đẳng v.v…

-  Các nhà máy xí nghiệp, công ty sản xuất, khu chế xuất

Sinh viên tốt nghiệp ngành môi trường được đào tạo để làm tốt công tác vận hành và quan trắc giám sát hiệu quả của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy xí nghiệp, công ty sản xuất, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Cử nhân môi trường tại trường đại học Lâm nghiệp còn được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực quan trắc giám sát chất lượng môi trường do đó sinh viên tốt nghiệp có thể làm tốt tại các trung tâm các trung tâm quan trắc và phân tích chất lượng môi trường; các doanh nghiệp kinh doanh các thiết bị khoa học kỹ thuật công nghệ cao phục vụ cho các ngành khoa học kỹ thuật: môi trường, công nghệ sinh học, y tế, nông lâm nghiệp,…

- Các tổ chức trong nước và quốc tế về môi trường

Gìn giữ "hành tinh xanh" là nhiệm vụ chung của cả nhân loại. Nó đòi hỏi sự hợp tác trên toàn thế giới. Bởi vậy, hiện nay, trên thế giới có nhiều tổ chức môi trường như các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ v.v… hoạt động rất mạnh. Ngoài ra, không ít tổ chức phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa khác cũng tổ chức các dự án, hoạt động về môi trường.

Các tổ chức như vậy là những nơi làm việc khá lý tưởng của nhà môi trường. Tại đây, bạn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Bạn cũng sẽ được tham gia vào những chương trình, dự án về môi trường trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế, được đi tới nhiều nơi, mở rộng tầm hiểu biết và cả kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình.

* Những tố chất cần có:

+ Yêu thiên nhiên, môi trường, có óc tìm tòi, ham học hỏi và tư duy logic

Đây là tố chất đầu tiên cần có, cũng là tố chất quyết định thành công của bạn. Bởi tình yêu này là nguyênnhân đầu tiên để bạn quyết định lựa chọn con đường của nhà môi trường. Đó cũng là động lực để bạn đi hết hành trình gian nan của người bảo vệ ‘hành tinh xanh".

Yêu thiên nhiên, môi trường nghĩa là bạn yêu quý đất đai, cây cỏ, muông thú, từng dòng sông, con suối, biển cả v.v… Bạn luôn quan tâm tới những sinh vật xung quanh mình, dù đó chỉ là những con côn trùng bé nhỏ, ao ước về một "mái nhà" án lành cho chúng. Bạn luôn mong muốn gìn giữ màu xanh cho Trái Đất, môi trường sống trong lành và bền vững của muôn loài.

+ Năng động, sáng tạo, nhiệt tình và tự tin

Bước chân vào nghề môi trường, điều đầu tiên mà bạn có thể nhận ra là khối lượng công việc đồ sộ đang chờ bạn. Những vấn đề về môi trường rất đa dạng, phức tạp, trong khi sức lực của nhà môi trường lại có hạn. Bạn có thể sẽ cảm thấy áp lực công việc căng thẳng với những đề tài nghiên cứu phải hoàn thành gấp gáp, những chuyến đi khảo sát vất vả, hay sự bất hợp tác của một vài cá nhân, tổ chức không ý thức được vai trò quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn môi trường v.v… Lúc này, cùng với tình yêu thiên nhiên, niềm say mê nghề nghiệp, chỉ có sự rung động, sáng tạo nhiệt tình, tự tin mới có thể giúp bạn giải quyết được khối lượng công việc khổng lồ của một nhà môi trường.

+ Cẩn thận, kiên nhẫn

Trở thành một chuyên gia về môi trường, sự cẩn thận và kiên nhẫn không thể thiếu trong hành trang của bạn, dù bạn công tác trong lĩnh vực nghiên cứu, quản lý hay công nghệ xử lý môi trường. Đức tính ấy giúp bạn đi đến tận cùng của các nghiên cứu, phân tích về môi trường, đưa ra được những kết luận chính xác. Nó cũng giúp bạn thành công hơn khi thực hiện các chương trình giáo dục môi trường, giúp người dân nhận thức được về các vấn đề môi trường, thúc đẩy họ có ý thức tham gia bảo vệ môi trường.

+ Khả năng làm việc tập thể

Môi trường là một ngành rộng lớn, có quan hệ mật thiết với rất nhiều ngành khác trong xã hội. Bởi vậy, nhà môi trường không thể thực hiện tốt công việc của mình nếu đơn độc một mình. Khả năng làm việc, phối hợp công việc với tập thể, các chuyên gia môi trường khác cũng như chuyên gia trong nhiều lĩnh vực rất quan trọng với người làm việc trong ngành này.

Làm việc tập thể không có nghĩa là bạn mất đi chính kiến và sự tự chủ của bản thân. Khả năng làm việc tập thể biểu hiện ở sự phối hợp công việc nhịp nhàng, cách ứng xử khéo léo, tư duy lôgic trong điều phối công việc, sự cầu thị và học hỏi của bạn. Cùng nhau cống hiến phần sức lực nhỏ bé của mình cho lợi ích chung của toàn nhân loại, vì mục tiêu phát triển bền vững. Đó chính là điều mà những nhà môi trường đích thực hướng tới.

+ Khả năng thuyết trình

Không phải ai cũng có thể vượt qua được sự ngượng ngập và lúng túng khi phải thuyết trình trước đám đông. Nhất là khi đánh giá của người nghe có liên quan đến sự sống còn của một chương trình, dự án về môi trường mà bạn đã dành bao tâm sức nghiên cứu và phát triển. Dù dự án, chương trình hành động, nghiên cứu của bạn có hay đến mấy, nếu bạn trình bày lúng túng, không làm nổi bật được những nét hay, ưu điểm vượt trội của nó, không gây được sự chú ý và thiện cảm của người nghe, cũng có nghĩa gần như bạn đã thất bại. Phẩm chất này một phần do bẩm sinh, nhưng phần nhiều do chính quá trình rèn luyện, nỗ lực của bạn.

+ Can đảm và chấp nhận thử thách

Quả không phải không có lý khi có người cho rằng các nhà môi trường chính là những chiến sĩ bảo vệ môi trường đầy nhiệt huyết. Họ xây dựng những chương trình hành động để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người. Họ đấu tranh quyết liệt với những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà cố tình bỏ qua vấn đề an toàn môi trường. Bởi vậy, sự can đảm, chấp nhận thử thách là phẩm chất cần có của một nhà môi trường thực thụ.

 

III. NGÀNH QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN  (Chương trình chuẩn)

1. Ngành đào tạo

            Tiếng Việt: QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN (Chương trình chuẩn)

            Tiếng Anh: NATURAL RESOURCES MANAGEMENT (Standard Program)

2. Mã ngành: 52850101

3. Thời gian đào tạo: 4 năm

4. Khối lượng kiến thức toàn khóa129 tín chỉ

5. Loại hình đào tạo: Chính quy

6. Mục tiêu đào tạo

            6.1. Kiến thức

Ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên (chương trình chuẩn) tại trường Đại học Lâm nghiệp là ngành đào tạo kế thừa của trường Đại học bang Colorado, Hoa Kỳ. Chương trình đào tạo đã được điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế tại Việt Nam. Chương trình đào tạo này nhằm đào tạo ra những kỹ sư có một nền kiến thức rộng về việc sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN). Cụ thể như sau:

            - Kiến thức về sinh học, khoa học tự nhiên và xã hội để giải quyết các vấn đề chung trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.

            - Có kiến thức về lĩnh vực như bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên, kỹ thuật lâm sinh, quản lý lưu vực, quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn...

            - Kiến thức về thiết kế, đánh giá các thành phần, các hệ thống hoặc các quá trình liên quan đến tài nguyên sinh vật và tài nguyên có khả năng tự tái tạo.

            - Thu nhận, phân tích, biên dịch các dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên.

            6.2. Kỹ năng

- Về kỹ năng cứng: sinh viên có khả năng làm việc độc lập, kỹ năng tổ chức, tham khảo tài liệu; có kỹ năng phân tích, khảo sát và giải quyết các vấn đề liên quan đến TNTN; kỹ năng sử dụng một số công cụ hỗ trợ phục vụ công tác QLTNTN, làm việc trong phòng thí nghiệm và làm việc ngoài hiện trường cũng như kỹ năng làm nghiên cứu khoa học.

- Về k ỹ năng mềm: bao gồm kỹ năng cá nhân (kỹ năng tự học, làm việc chăm chỉ, tự tin, thích ứng với công việc và những thay đổi trong công việc, kỹ năng hòa nhập với môi trường và đồng nghiệp, kỹ năng lắng nghe, quan sát, diễn giải nội dung, đặt câu hỏi); kỹ năng làm việc theo nhóm (kỹ năng làm việc theo nhóm, xây dựng và điều hành nhóm, liên kết các nhóm); kỹ năng phân tích, tư duy sáng tạo, linh hoạt (kỹ năng đánh giá hiệu suất công việc, kỹ năng tư duy phân tích) và kỹ năng thuyết trình (có khả năng thuyết trình lưu loát, kỹ năng giao tiếp tốt).

7. Vị trí làm việc của kỹ sư/cử nhân sau khi tốt nghiệp

Kỹ sư quản lý tài nguyên thiên nhiên có thể làm việc ở các cơ quan, tổ chức như sau:

(1) Các cơ quan quản lý rừng đặc dụng: Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu dự trữ sinh quyển, DAMSAR,...

(2) Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục bảo tồn đa dạng sinh học... thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ; các sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường... cấp tỉnh.

(3) Các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo về quản lý TNTN, như Trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm thành phố HCM,... Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật...

(4) Các doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ có các hoạt động liên quan đến tài nguyên thiên nhiên: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), WWF, ENV, Birdlife, IUCN, SNV, FFI,...

IV. NGÀNH QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN (Chương trình tiên tiến)

1. Ngành đào tạo

            Tiếng Việt: QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN (Chương trình tiên tiến)

            Tiếng Anh: NATURAL RESOURCES MANAGEMENT (Advanced Program)

2. Mã ngành: 52908532A

3. Thời gian đào tạo: 4.5 năm

4. Khối lượng kiến thức toàn khóa141 tín chỉ

5. Loại hình đào tạo: Chính quy

6. Mục tiêu đào tạo

            6.1. Kiến thức

Ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên (chương trình tiên tiến) tại trường Đại học Lâm nghiệp là ngành đầu tiên đào tạo bằng tiếng Anh ở nước ta tính đến thời điểm hiện nay. Chương trình đào tạo của ngành được kế thừa từ trường Đại học bang Colorado, Hoa Kỳ. Chương trình này nhằm đào tạo ra những kỹ sư có một nền kiến thức rộng về việc sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN).

Sau khi kết thúc chương trình, người học sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản gồm kiến thức của một số ngành khoa học về chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, tâm lý, xã hội học, tin học, tiếng Anh...là nền tảng cho việc tiếp nhận tri thức các môn học của chương trình đào tạo cũng như các kiến thức cơ bản cần thiết. Khả năng ngoại ngữ (trình độ B2 theo khung tham chiếu Châu Âu trở lên) và công nghệ thông tin phục vụ cho công việc sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản và cơ sở ngành về sinh thái tài nguyên, kiến thức QLTNTN và ứng dụng các phần mềm, công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám trong QLTNTN. Kiến thức ngành về sử dụng đất và chất lượng nước, quản lý hệ sinh thái tổng hợp, sinh thái rừng, ứng dụng GIS trong QLTNTN, quản lý thực vật nhiệt đới và kiến thức chuyên môn hóa về quản lý lưu vực, quản lý tài nguyên đất, nước và rừng.

            6.2. Kỹ năng

- Về kỹ năng cứng: sinh viên có khả năng làm việc độc lập, kỹ năng tổ chức, tham khảo tài liệu tiếng Anh; có kỹ năng phân tích, khảo sát và giải quyết các vấn đề liên quan đến TNTN; kỹ năng sử dụng một số công cụ hỗ trợ phục vụ công tác QLTNTN, làm việc trong phòng thí nghiệm và làm việc ngoài hiện trường cũng như kỹ năng làm nghiên cứu khoa học.

- Về k ỹ năng mềm: bao gồm kỹ năng cá nhân (kỹ năng tự học, làm việc chăm chỉ, tự tin, thích ứng với công việc và những thay đổi trong công việc, kỹ năng hòa nhập với môi trường và đồng nghiệp, kỹ năng lắng nghe, quan sát, diễn giải nội dung, đặt câu hỏi); kỹ năng làm việc theo nhóm (kỹ năng làm việc theo nhóm, xây dựng và điều hành nhóm, liên kết các nhóm); kỹ năng phân tích, tư duy sáng tạo, linh hoạt (kỹ năng đánh giá hiệu suất công việc, kỹ năng tư duy phân tích) và kỹ năng thuyết trình (có khả năng thuyết trình lưu loát, kỹ năng giao tiếp tốt).

7. Vị trí làm việc của kỹ sư/cử nhân sau khi tốt nghiệp

Kỹ sư quản lý TNTN có thể làm việc ở các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước sau:

(1) Các cơ quan quản lý rừng đặc dụng: Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu dự trữ sinh quyển, DAMSAR,...

(2) Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục bảo tồn đa dạng sinh học... thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ; các sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường... cấp tỉnh.

(3) Các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo về quản lý TNTN, như Trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm thành phố HCM,... Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật...

(4) Các doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ có các hoạt động liên quan đến tài nguyên thiên nhiên: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), WWF, ENV, Birdlife, IUCN, SNV, FFI,...

(5) Tiếp tục học sau đại học ở các nước có sử dụng Tiếng Anh.

V. NGÀNH QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, thực trạng khai thác, tàn phá tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng đang đặt ra bài toán tồn tại cho loài người. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, con người cần thiết phải hiểu biết về thiên nhiên, môi trường để quản lý, bảo về tài nguyên và môi trường.

1. Ngành đào tạo

- Tiếng Việt: Quản lý tài nguyên và Môi trường.

- Tiếng Anh: Management of Natural Resources and Environment.

         Ngành Quản lí tài nguyên và môi trường là ngành học đem lại cho bạn năng lực về quản lí các loại tài nguyên và quản lí môi trường dựa trên những kiến thức chuyên sâu về các tài nguyên và môi trường. Đây được coi là ngành học đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của nhân loại.

2. Mã ngành: 52850101.

3. Thời gian đào tạo: 04 năm.

4. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 130 tín chỉ.

5. Loại hình đào tạo: Chính qui tập trung.

6. Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân Quản lý tài nguyên và Môi trường.

6.1. Về kiến thức

Sinh viên theo học ngành Quản lý tài nguyên và Môi trường, sau khi tốt nghiệp sẽ có:

- Kiến thức cơ bản về sinh học, khoa học tự nhiên và xã hội để giải quyết các vấn đề chung trong quản lý tài nguyên và môi trường.

- Kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý lưu vực và quản lý xử lý ô nhiễm môi trường.

- Kiến thức về thiết kế, đánh giá các thành phần môi trường, các hệ thống hoặc các quá trình liên quan đến tài nguyên sinh vật và khoa học môi trường.

- Thu thập, phân tích và biên dịch các dữ liệu về tài nguyên và môi trường.

- Đạt trình độ C Anh văn hoặc chứng chỉ tương đương; có kiến thức về tin học ứng dụng trong xử lý số liệu tài nguyên và môi trường, xử lý văn bản, trình diễn kết quả học tập và nghiên cứu khoa học.

6.2. Về kỹ năng

Sinh viên theo học ngành Quản lý tài nguyên và Môi trường, sau khi tốt nghiệp sẽ có các kỹ năng sau:

- Kỹ năng nghiên cứu, học tập nâng cao, nắm bắt các vấn đề quản lý tài nguyên và môi trường.

- Kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm trong thiết kế, đánh giá các thành phần môi trường, các hệ thống có liên quan đến tài nguyên sinh vật và tài nguyên có khả năng tự tái tạo.

- Kỹ năng giải quyết các vấn đề chuyên môn và xã hội liên quan đến tương tác giữa các hệ thống sinh học và tác động của con người.

- Có khả năng thiết kế các công trình bảo vệ môi trường và sinh thái cảnh quan, mô hình xử lý ô nhiễm môi trường. Có khả năng làm việc độc lập và hợp tác theo nhóm. Có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng phổ biến trong quản lý tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh khối kiến thức cơ sở, ngành học còn cung cấp cho sinh viên khối kiến thức về chuyên ngành sâu như: kiến thức về công nghệ hiện đại trong quản lý tài nguyên môi trường (công nghệ GPS, GIS, Viễn thám,…); kiến thức về công nghệ xử lý môi trường, đánh giá tác động môi trường, kiểm toán môi trường; Chương trình được cấu trúc theo phương thức đáp ứng những nhu cầu môi trường cấp bách nhất, nhấn mạnh các vấn đề về quản lý môi trường đô thị, quản lý môi trường tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, các hệ thống quản lý môi trường tại doanh nghiệp, quan trắc và đánh giá tác động môi trường, an toàn vệ sinh công nghiệp và sức khỏe môi trường, quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là các kỹ năng nghề nghiệp như: kỹ năng giải quyết các tình huống thực tế trong quản lý tài nguyên, môi trường, kĩ năng lập và quản lý dự án, kỹ năng đàm phán,…

Sinh viên tốt nghiệp ngành QL TN&MT có khả năng

- Hiểu rõ, phân loại tài nguyên và xây dựng các phương án quản lí và sử dụng bền vững TN & MT;

- Ứng dụng công nghệ hiện đại (GPS, GIS, Viễn thám, mô hình môi trường,…) trong quản lí tài nguyên và môi trường

- Lập và thực hiện tốt các đề tài khoa học, các dự án liên quan đến Quản lí TN & MT;

- Năng động, sáng tạo, biết tổ chức làm việc nhóm, làm việc độc lập, đàm phán, thuyết trình khi làm việc trong các lĩnh vực quản lí tài nguyên và môi trường.

Vị trí việc làm sau tốt nghiệp

- Các cơ quan quản lí nhà nước về tài nguyên rừng và môi trường: các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên vàMôi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, hạt kiểm lâm,…

- Các viện nghiên cứu, trung tâm tư vấn về tài nguyên và môi trường;

- Các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;

- Giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp về đào tạo cán bộ quản lí tài nguyên và môi trường.

   - Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

   - Các tổ chức phi chính phủ, dự án nước ngoài như WWF, ENV, Birdlife, IUCN, SNV, FFI,…

Công việc mà sinh viên ngành quản lý tài nguyên và môi trường khi ra trường sẽ làm:

Kỹ sư công nghệ môi trường: đây là công việc dành cho những người học theo chuyên ngành công nghệ môi trường. ngành này mang lại cho bạn những kiến thức về chất thải, các quy trình công nghệ hóa, thiết bị xử lí chất thải,…. Nếu ra trường làm công việc này, bạn có thể làm tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty, hoạt động trong lĩnh vực xử lí môi trường, môi trường đô thị, kỹ thuật hạ tầng, cấp thoát nước, an toàn lao dộng, các viện nghiên cứu, các trường học có liên quan đến lĩnh vực môi trường.

Kỹ sư kỹ thuật môi trường: đây là công việc dành cho những người học theo chuyên ngành kỹ thuật môi trường. học ngành này mang lại cho bạn những nghiên cứu về các vấn đề môi trường như: chất độc ô nhiễm, phương pháp, kĩ thuật xử lí nước thải, các kĩ thuật chống ô nhiễm. nếu ra trường với công việc này bạn có thể làm việc tại sở khoa học và công nghệ, sở tài nguyên và môi trường, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở xây dựng, sở công nghiệp, sở thủy sản, ủy ban nhân dân các huyện, thị, các công ty cấp thoát nước, tư vấn môi trường, nuôi trồng thủy sản, ….

Kỹ sư quản lí môi trường: đây là công việc dành cho những người học theo chuyên ngành quản lí môi trường. ngành này mang lại cho bạn những kiến thức về quản lí chất lượng môi trường, quản lí chất thải môi trường, quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường, …. Với công việc là kỹ sư quản lí môi trường bạn có thể làm việc tại sở khoa học và công nghệ, sở tài nguyên và môi trường, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở xây dựng, sở công nghiệp, sở thủy sản, ủy ban nhân dân các huyện, thị,….

Kỹ sư quản lí tài nguyên rừng: đây là công việc dành cho những người học theo chuyên ngành quản lí tài nguyên rừng. ngành này mang lại cho bạn những kiến thức về sinh thái môi truờng, hệ sinh thái rừng, kỹ thuật và công nghệ trong quản lí, kiểm tra, đánh giá tài nguyên rừng và môi trường,…. Với công việc này bạn có thể làm việc tại cơ quan quản lí nhà nước các cấp, các cơ sở đào tạo, các cơ quan nghiên cứu và phát triển có liên quan đến quản lí tài nguyên và môi trường. bên cạnh đó bạn có thể làm việc tại các vường quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng,….

Kỹ sư quản lí môi trường và du lịch sinh thái: đây là công việc dành cho những người học theo chuyên ngành quản lí môi trường và du lịch sinh thái. Ngành này bạn sẽ được trang bị những kiến thức về sinh học bảo tồn, địa lí du lịch, quản lí cảnh quan, quản trị du lịch, quy hoạch và phát triển du lịch bền vững. với công việc này bạn có thể làm tại các vụ, viện nghiên cứu thuộc bộ ngành trung ương,sở khoa học và công nghệ, sở tài nguyên và môi trường, sở du lịch, công ty du lịch và du lịch, khu du lịch sinh thái, khu nghĩ dưỡng, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử,….

Kỹ sư khoa học môi trường: đây là công việc dành cho những người học theo chuyên ngành khoa học môi trường. bạn sẽ được trang bị những kiến thức về kỹ năng đánh giá, phân tích, phát hiện, và dự báo những vấn đề môi trường,… khi học chuyên ngành khoa học môi trường. với ngành này bạn có thể làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, các bộ, cục, các sở ban ngành địa phương liên quan tới quản lí, quy hoạch môi trường,….

VI. NGÀNH BẢO VỆ THỰC VẬT

. Ngành đào tạo

          Tiếng Việt: Bảo vệ thực vật

          Tiếng Anh: Plant Protection

2. Mã ngành:                52620112

3. Thời gian đào tạo:     4 năm

4. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 131 tín chỉ

5. Loại hình đào tạo: Chính qui

6. Mục tiêu đào tạo:

Đào tạo kỹ sư Bảo vệ thực vật có đạo đức nghề nghiệp, có thái độ lao động nghiêm túc. Có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc đa dạng ở các cơ quan nghiên cứu khoa học, quản lý sản xuất, doanh nghiệp hoặc tự tạo lập công việc sản xuất nông lâm nghiệp và dịch vụ về Bảo vệ thực vật như: nghiên cứu, phát hiện, quản lý, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây hại thực vật để bảo vệ tài nguyên mà trọng tâm là cây trồng (trước và sau thu hoạch) đạt hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển một nền nông lâm nghiệp bền vững của Việt Nam.

Sinh viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng:

6.1. Kiến thức

  • Kiến thức cơ sở và ngành Bảo vệ thực vật để có thể tổ chức sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Bảo vệ thực vật; phát hiện, đánh giá mức độ phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại trên các cây trồng nông lâm nghiệp, đề xuất biện pháp phòng trừ sâu, bệnh có hiệu quả, hạn chế chi phí và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sinh thái đáp ứng yêu cầu hội nhập;
  • Kiến thức về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cấu tạo, đặc điểm tác động và cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kiến thức về kiểm dịch thực vật, vận dụng vào việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản để làm cơ sở cho việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng;
  • Kiến thức để tư vấn và giải quyết các vấn đề chuyên môn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh ngành Bảo vệ thực vật, đề xuất và triển khai thực hiện các đề tài khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn.
  • Đạt trình độ TOEIC 400 tiếng Anh hoặc chứng chỉ tương đương. Có kiến thức về tin học ứng dụng trong xử lý văn bản, xử lý số liệu, trình diễn kết quả học tập và nghiên cứu khoa học.
  • Có khả năng tự học tập để nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, đủ điều kiện về chuyên môn để học tiếp bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

6.2. Kỹ năng

  • Kỹ năng điều tra, phát hiện dịch hại, sử dụng hiệu quả các loại chế phẩm bảo vệ cây trồng, chỉ đạo và thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM;
  • Sử dụng các trang thiết bị phòng thí nghiệm hiện đại trong công tác phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat trong rau quả, lương thực thực phẩm và chẩn đoán bệnh hại cây trồng, phân tích hóa lý tính đất, các chỉ tiêu chất lượng nông sản;
  • Tổ chức sản xuất kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón và các chế phẩm sử dụng trong nông nghiệp, nắm vững pháp chế ngành;
  • Có khả năng ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật, xây dựng hệ thống phòng trừ tổng hợp dịch hại trong nông nghiệp;
  • Có khả năng làm việc theo nhóm, năng lực vận động nông dân; viết báo cáo khoa học, trình bày và thuyết trình kiến thức thuộc chuyên ngành, phân tích và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn sản xuất chuyên ngành Bảo vệ thực vật.

7. Vị trí việc làm của kỹ sư sau khi tốt nghiệp

  • Các đơn vị sản xuất, kinh doanh như: trang trại Trồng trọt, công ty sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật,....
  • Các cơ quan hành chính, quản lý chuyên ngành Bảo vệ thực vật như: Cục bảo vệ thực vật,  Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông, Phòng nông nghiệp, Cơ quan Hải quan....
  • Viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực Bảo vệ thực vật, Môi trường;
  • Tổ chức sản xuất kinh doanh tư nhân về kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật, về sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, rau quả, hoa cây cảnh;
  • Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu chuyên ngành Bảo vệ thực vật trong các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học; giảng dạy môn kỹ thuật nông nghiệp tại các trường PTTH.

 


Chia sẻ

Tin nổi bật