Web Content Display Web Content Display

1. Sứ mệnh

     Đảm nhiệm trọng trách hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển lâm nghiệp bền vững của đất nước; Giữ vai trò chủ đạo trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của xã hội về các lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

2. Tầm nhìn

     Trở thành đơn vị đào tạo đa ngành có uy tín; tiếp cận chuẩn quốc tế và phát huy vị thế hàng đầu ở Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

3. Mục tiêu chiến lược

Phát triển mô hình đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng đa ngành, đa tầng, đa cấp độ và đa loại hình; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập, thực hiện cơ chế tự chủ, tiến tới hoàn toàn tự chủ vào năm 2025; tiếp tục giữ vững và phát huy vị thế hàng đầu của cả nước về quản lý tài nguyên rừng, trở thành đơn vị theo định hướng nghiên cứu và đạt chuẩn khu vực về lâm nghiệp vào năm 2030; giữ vững và từng bước nâng cao vị thế và danh tiếng của các nhóm ngành thế mạnh về tài nguyên và môi trường.

4. Định hướng phát triển cụ thể trong thời gian tới

  • Giữ vững vị trí đầu ngành trong nước và vươn tầm khu vực về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng và môi trường;
  • Đẩy mạnh phát triển theo cơ chế tự chủ, tự quản và tự giải trình;
  • Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, phát triển đào tạo theo hướng đa loại hình, đa bậc và đa cấp độ, đổi mới căn bản nội dung và chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo tính bền vững lâu dài;
  • Không ngừng phát triển các ngành mới trên cơ sở phát huy truyền thống và thế mạnh của Khoa QLTNR&MT.

5. Giá trị cốt lõi

Chất lượng - Vượt trội: Huy động mọi nguồn lực đảm bảo chất lượng dạy và học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tốt nhất; không ngừng cải tiến, đổi mới, áp dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng cao, chất lượng vượt trội, từ đó nâng cao uy tín và thương hiệu của Khoa QLTNR&MT.

Tôn trọng - Chia sẻ: Tôn trọng người học và người lao động, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng tự do học thuật, tôn trọng ý tưởng mới và luôn khuyến khích sự sáng tạo, trân trọng lựa chọn chính đáng của mỗi cá nhân; luôn đề cao chuẩn mực và trách nhiệm, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu phục vụ và dịch vụ tốt nhất cho mỗi người, cho cộng đồng và cho xã hội; luôn lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ tri thức, tình cảm, kinh nghiệm và đồng hành cùng với người học để cùng vươn tới tầm cao.

Truyền thống - Hội nhập: Giữ vững và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của một đơn vị có bề dày thành tích; không ngừng củng cố và hoàn thiện nhằm tạo dựng môi trường học thuật thân thiện, bình đẳng, trong sáng, hội nhập, hướng chuẩn khu vực và quốc tế.

Đa dạng - Bền vững: Kiên định phát triển đào tạo và nghiên cứu theo hướng đa ngành, đa tầng, đa cấp độ và đa loại hình; trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng thích ứng với sự đa dạng về môi trường và điều kiện làm việc, có thể tự tin và thành công trong một thế giới luôn biến đổi; đảm bảo tính đa dạng và bền vững về các sản phẩm khoa học – công nghệ, góp phần đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và cấp bách của xã hội.

Asset Publisher Asset Publisher

Giới thiệu Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường

18 tháng 1, 2019
Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường Phát huy truyền thống - vững bước trong thời đại mới

Lịch sử hình thành và phát triển

     Theo Quyết định số 551/TCLĐ, ngày 24/08/1995 của Bộ Lâm nghiệp, Khoa Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập cùng với tầm nhìn phát triển để đóng góp và sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Trong thời kỳ 2000 - 2005, Khoa đã mở rộng định hướng đào tạo từ quản lý tài nguyên rừng sang quản lý tài nguyên rừng và quản lý môi trường. Từ đó Khoa được công nhận tên mới như hiện nay là Khoa Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (QLTNR&MT). Tên gọi mới đánh dấu cho sự thay da đổi thịt cũng như sự phát triển không ngừng của Khoa cho tới nay.

1. Cơ cấu tổ chức, nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất

1.1. Cơ cấu tổ chức

     Khởi đầu với gần 20 cán bộ thuộc 4 bộ môn là Bảo vệ thực vật rừng, Thực vật rừng, Động vật rừng và Quản lý môi trường, sau chặng đường gần 25 năm xây dựng và phát triển, khoa QLTNR&MT đã trở thành một đơn vị vững mạnh của Trường Đại học lâm nghiệp. Cơ cấu tổ chức hiện nay của Khoa đã lên tới 08 đơn vị trực thuộc, trong đó gồm có 06 Bộ môn (Bộ môn Bảo vệ thực vật rừng, Bộ môn Thực vật rừng, Bộ môn Động vật rừng, Bộ môn Quản lý môi trường, Bộ môn Kỹ thuật môi trường, và Bộ môn Hóa học) và 02 Trung tâm (Trung tâm Phân tích môi trường và Ứng dụng công nghệ địa không gian, và Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững).

Sơ đồ Cơ cấu tổ chức Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Khoa hiện nay gồm có:

  • PGS.TS. Phùng Văn Khoa, Chủ nhiệm khoa
  • NGƯT.PGS.TS. Trần Ngọc Hải - Phó Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm BM Thực vật rừng
  • PGS.TS. Lê Bảo Thanh - Phó chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm BM Bảo vệ thực vật rừng
  • PGS.TS. Vũ Tiến Thịnh, Chủ nhiệm Bộ môn Động vật rừng
  • PGS.TS. Nguyễn Hải Hòa, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật môi trường
  • PGS.TS. Bùi Xuân Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý Môi trường
  • GV.Ths. Trần Thị Thanh Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Hóa học
  • GV.TS. Vương Duy Hưng, Giám đốc TT Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững
  • GV.Ths. Bùi Văn Năng, Giám đốc TT phân tích Môi trường & Ứng dụng công nghệ địa không gian.

PGS.TS. Phùng Văn Khoa - Chủ nhiệm khoa QLTNR&MT

1.2. Đội ngũ cán bộ giảng viên khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường

     Hiện nay Khoa QLTNR&MT có đội ngũ cán bộ giảng viên là 67 người, bao gồm 64 cán bộ cơ hữu và 03 cán bộ kiêm giảng; trong đó, có 01 Giáo sư, 09 Phó Giáo sư; 14 Tiến sỹ; 11 Nghiên cứu sinh, 23 Thạc sỹ; 08 kỹ sư và cử nhân, cùng 01 cán bộ trung cấp. Số giảng viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên chiếm tới 86,5%. Mặt khác, Khoa có trên 50% số giảng viên được đào tạo sau đại học ở các nước tiên tiến và có khả năng làm việc trực tiếp với các nhà khoa học quốc tế (sử dụng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Đức…). Từ thực tiễn đội ngũ cán bộ giảng dạy nêu trên, có thể nói Khoa QLTNR&MT có đội ngũ cán bộ giảng dạy với trình độ tốt cả về chuyên môn, ngoại ngữ và kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế.

1.3. Điều kiện cơ sở vật chất

     Trung tâm Phân tích Môi trường & Ứng dụng công nghệ địa không gian của Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường có 12 phòng thí nghiệm với diện tích sử dụng 1.135 m2, bao gồm các phòng thí nghiệm, thực hành về thực vật, động vật, bảo vệ thực vật, khí tượng thủy văn, phân tích hóa học, phân tích môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng ứng dụng công nghệ địa không gian. Trung tâm còn vận hành một trạm quan trắc khí tượng thủy văn đặt trong khuôn viên của trường. Phòng thực hành Ứng dụng công nghệ địa không gian của Trung tâm được trang bị 25 máy tính tốc độ xử lý cao cùng với gần 20 phần mềm có bản quyền  hệ thống thông tin không gian và viễn thám. Các phòng thí nghiệm này đã hỗ trợ tốt công tác thực hành thực tập của sinh viên và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên. Các phòng thực hành về cơ bản được trang bị đủ về chủng loại cũng như số lượng thiết bị đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án.

     Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững có diện tích 445 m2 phần lớn dùng để trưng bày các mẫu vật bảo tàng đa dạng sinh học, hỗ trợ sinh viên học tập, thực hành thực tập và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên. Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững của Khoa được coi là một trong những bảo tàng quan trọng về tài nguyên Động thực vật ở Việt Nam.

Phòng trưng bày mẫu tiêu bản thực vật rừng,Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững – Khoa QLTNR&MT

     Khoa QLTNR&MT có sự phối hợp chặt chẽ với Viện Sinh thái rừng và Môi trường và được phép sử dụng 03 phòng thí nghiệm và 01 vườn ươm với diện tích 2,5 ha cùng hệ thống thiết bị phụ trợ đồng bộ để phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hành thực tập cho sinh viên. Ngoài ra, Khoa QLTNR&MT còn kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu cứu hộ và phát triển động vật hoang dã để đào tạo các kỹ năng bảo tồn, cứu hộ và nhân nuôi động vật hoang dã cho sinh viên chuyên ngành Lâm sản ngoài gỗ. Giảng viên và sinh viên Khoa QLTNR&MT còn được trực tiếp học tập và làm việc với 133 ha rừng thực nghiệm Trường Đại học Lâm nghiệp.

2. Sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu chiến lược, định hướng cụ thể và giá trị cốt lõi

2.1. Sứ mệnh

     Đảm nhiệm trọng trách hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển lâm nghiệp bền vững của đất nước; Giữ vai trò chủ đạo trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của xã hội về các lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

2.2. Tầm nhìn

     Trở thành đơn vị đào tạo đa ngành có uy tín; tiếp cận chuẩn quốc tế và phát huy vị thế hàng đầu ở Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

2.3. Mục tiêu chiến lược

Phát triển mô hình đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng đa ngành, đa tầng, đa cấp độ và đa loại hình; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập, thực hiện cơ chế tự chủ, tiến tới hoàn toàn tự chủ vào năm 2025; tiếp tục giữ vững và phát huy vị thế hàng đầu của cả nước về quản lý tài nguyên rừng, trở thành đơn vị theo định hướng nghiên cứu và đạt chuẩn khu vực về lâm nghiệp vào năm 2030; giữ vững và từng bước nâng cao vị thế và danh tiếng của các nhóm ngành thế mạnh về tài nguyên và môi trường.

2.4. Định hướng phát triển cụ thể trong thời gian tới

  • Giữ vững vị trí đầu ngành trong nước và vươn tầm khu vực về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng và môi trường;
  • Đẩy mạnh phát triển theo cơ chế tự chủ, tự quản và tự giải trình;
  • Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, phát triển đào tạo theo hướng đa loại hình, đa bậc và đa cấp độ, đổi mới căn bản nội dung và chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo tính bền vững lâu dài;
  • Không ngừng phát triển các ngành mới trên cơ sở phát huy truyền thống và thế mạnh của Khoa QLTNR&MT.

2.5. Giá trị cốt lõi

Chất lượng - Vượt trội: Huy động mọi nguồn lực đảm bảo chất lượng dạy và học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tốt nhất; không ngừng cải tiến, đổi mới, áp dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng cao, chất lượng vượt trội, từ đó nâng cao uy tín và thương hiệu của Khoa QLTNR&MT.

Tôn trọng - Chia sẻ: Tôn trọng người học và người lao động, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng tự do học thuật, tôn trọng ý tưởng mới và luôn khuyến khích sự sáng tạo, trân trọng lựa chọn chính đáng của mỗi cá nhân; luôn đề cao chuẩn mực và trách nhiệm, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu phục vụ và dịch vụ tốt nhất cho mỗi người, cho cộng đồng và cho xã hội; luôn lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ tri thức, tình cảm, kinh nghiệm và đồng hành cùng với người học để cùng vươn tới tầm cao.

Truyền thống - Hội nhập: Giữ vững và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của một đơn vị có bề dày thành tích; không ngừng củng cố và hoàn thiện nhằm tạo dựng môi trường học thuật thân thiện, bình đẳng, trong sáng, hội nhập, hướng chuẩn khu vực và quốc tế.

Đa dạng - Bền vững: Kiên định phát triển đào tạo và nghiên cứu theo hướng đa ngành, đa tầng, đa cấp độ và đa loại hình; trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng thích ứng với sự đa dạng về môi trường và điều kiện làm việc, có thể tự tin và thành công trong một thế giới luôn biến đổi; đảm bảo tính đa dạng và bền vững về các sản phẩm khoa học – công nghệ, góp phần đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và cấp bách của xã hội.

PGS.TS. Phùng Văn Khoa, Chủ nhiệm Khoa thay mặt Tập thể Khoa Quản lý TNR&MT nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng

 

3. Nhiệm vụ đào tạo

3.1. Các ngành đào tạo

a. Đào tạo đại học

  1. Ngành Quản lý Tài nguyên rừng (mã số 7620211)
  2. Ngành Khoa học môi trường (mã số 7440301)
  3. Ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên (chương trình chuẩn, đào tạo bằng tiếng Việt, mã số 72908532)
  4. Ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên (chương trình tiên tiến, đào tạo bằng tiếng Anh, mã số 72908532A)
  5. Ngành Bảo vệ thực vật (mã số 7620112)
  6. Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (mã số 7850101)
  7. Ngành Du lịch sinh thái (mã số7850104) 

b. Đào tạo thạc sỹ

  1. Thạc sỹ ngành Quản lý tài nguyên rừng (mã số 8620211)
  2. Thạc sỹ ngành Khoa học môi trường (mà số 8440301)
  3. Thạc sỹ ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (mà số 8850101)
  4. Tham gia Chương trình đào tạo thạc sỹ Lâm nghiệp nhiệt đới Quốc tế (đào tạo bằng tiếng Anh, là sản phẩm hợp tác giữa trường Đại học Lâm nghiệp, Cơ quan trao đổi Hàn lâm CHLB Đức (DAAD) và trường Đại học Gottingen, CHLB Đức)

c. Đào tạo tiến sỹ

Tiến sỹ ngành Quản lý Tài nguyên rừng (mã số 62620211)

3.2. Ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên (chương trình tiên tiến)

            Chương trình Tiên tiến về Quản lý tài nguyên thiên nhiên (QLTNTN CTTT) là chương trình được xây dựng dựa trên sự hơp tác giữa trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (Vietnam National University of Forestry) và trường Đại học Tổng hợp Colorado (Colorado State University, Hoa Kỳ) với các hướng chuyên môn về Tài nguyên rừng, Tài nguyên đất đai, Tài nguyên nước, Sinh học và Bảo tồn Động thực vật, Ứng dụng GIS và viễn thám, và các chủ đề khác về môi trường, biến đổi khí hậu và sinh thái. Sinh viên được học tập trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh từ năm thứ 2 sau năm đầu học các môn cơ bản và tăng cường tiếng Anh. Ngoài học tập, sinh viên còn được tham dự các buổi sinh hoạt học thuật của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về Quản lý Tài nguyên thiên nhiên. Chương trình đã tuyển sinh được 09 khoá liên tục (từ K55 đến K63) với tổng số sinh 413 sinh viên, số sinh viên đã tốt nghiệp là 160.

a. Cam kết chuẩn đầu ra về kiến thức và kỹ năng

Sau khi kết thúc chương trình, sinh viên ngành QLTNTN CTTT sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản gồm kiến thức của một số ngành khoa học về chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, tâm lý, xã hội học, tin học, tiếng Anh...là nền tảng cho việc tiếp nhận tri thức các môn học của chương trình đào tạo cũng như các kiến thức cơ bản cần thiết. Khả năng ngoại ngữ (trình độ B2 theo khung tham chiếu Châu Âu trở lên) và công nghệ thông tin phục vụ cho công việc sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản và cơ sở ngành về sinh thái tài nguyên, kiến thức QLTNTN và ứng dụng các phần mềm, công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám trong QLTNTN. Kiến thức ngành về sử dụng đất và chất lượng nước, quản lý hệ sinh thái tổng hợp, sinh thái rừng, ứng dụng GIS trong QLTNTN, quản lý thực vật nhiệt đới và kiến thức chuyên môn hóa về quản lý lưu vực, quản lý tài nguyên đất, nước và rừng.

            Ngoài ra, chương trình QLTNTN CTTT còn được thiết kế bao gồm các hoạt động nhằm phát huy tối đa khả năng phát triển các kỹ năng cá nhân của sinh viên. Về kỹ năng cứng, sinh viên có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, được trau dồi kỹ năng làm việc độc lập và kỹ năng tổ chức; sử dụng thành thạo tiếng Anh; kỹ năng tham khảo tài liệu tiếng Anh; kỹ năng phân tích, khảo sát và giải quyết các vấn đề liên quan đến TNTN; kỹ năng sử dụng một số công cụ hỗ trợ phục vụ công tác QLTNTN, làm việc trong phòng thí nghiệm và làm việc ngoài hiện trường cũng như kỹ năng làm nghiên cứu khoa học. Về kỹ năng mềm, sinh viên được rèn luyện kỹ năng cá nhân (kỹ năng tự học, làm việc chăm chỉ, tự tin, thích ứng với công việc và những thay đổi trong công việc, kỹ năng hòa nhập với môi trường và đồng nghiệp, kỹ năng lắng nghe, quan sát, diễn giải nội dung, đặt câu hỏi); kỹ năng làm việc theo nhóm (kỹ năng làm việc theo nhóm, xây dựng và điều hành nhóm, liên kết các nhóm); kỹ năng phân tích, tư duy sáng tạo, linh hoạt (kỹ năng đánh giá hiệu suất công việc, kỹ năng tư duy phân tích) và kỹ năng thuyết trình (có khả năng thuyết trình lưu loát, kỹ năng giao tiếp tốt).

b. Cơ hội việc làm và học bổng du học

Nhờ có cam kết chuẩn đầu ra cùng với việc sử dụng thành thạo tiếng Anh, sinh viên ngành QLTNTN CTTT tiên tiến luôn được đánh giá cao và có lợi thế khi ứng tuyển vào các vị trí việc làm có liên quan đến lĩnh vực Quản lý Tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các vị trí làm việc với các cơ quan và tổ chức quốc tế. Việc đẩy mạnh hợp tác của Khoa QLTNR&MT với các tổ chức trong và ngoài nước càng làm tăng khả năng tiếp cận của sinh viên ngành QLTNTN CTTT đối với các đơn vị tuyển dụng. Kết quả khảo sát, đánh giá sinh viên đã tốt nghiệp của chương trình này cho thấy, sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm cao, chất lượng công việc tốt và có mức thu nhập đáng kể trong môi trường làm việc đa dạng.

Ngoài cơ hội có được công việc phù hợp, sinh viên ngành QLTNTN CTTT cũng được đánh giá cao khi nộp hồ sơ học bổng thạc sỹ ở nhiều nước trên thế giới. Điều này có được nhờ kỹ năng tiếng Anh được trau dồi và vốn từ chuyên ngành được cung cấp liên tục trong chương trình học. Kết quả đáng mừng là tất cả các khóa QLTNTN CTTT đã tốt nghiệp (K55 - K58) đều có sinh viên nhận được các học bổng danh giá tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Một số cá nhân nổi bật như:

  • Hứa Huy Luân và Chảo Thị Yến (K55), Nguyễn Thị Hà (K56), Hoàng Thế Trung (K57), Phan Quốc Dũng và Nguyễn Hà Anh (K58) đã giành được học bổng thạc sỹ Eramus Mundus của hội đồng châu Âu;
  • Trần Thị Mai Anh (K56) nhận học bổng AFoCo Landmark, học thạc sỹ tại Đại học Kookmin, Hàn Quốc;
  • Đinh Quỳnh Oanh và Phạm Vũ Minh (K56) nhận học bổng thạc sỹ tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, Nhật Bản;
  • Nguyễn Nguyệt Anh (K57) dành học bổng thạc sỹ tại Đại học Bristish Columbia, Canada;

Đoàn Minh Thùy (K57) dành học bổng thạc sỹ trường Đại học Saskatchewan, Canada;

Chảo Thị Yến (K55 QLTNTN CTTT), Học bổng thạc sỹ toàn phần Đại học Đại học Göttingen, CHLB Đức (Ảnh trái); Nguyễn Nguyệt Anh (K56 QLTNTN CTTT), Học bổng thạc sỹ toàn phần Đại học Bristish Columbia, Canada (Ảnh phải)

Trần Thị Mai Anh (K56 QLTNTN CTTT), Học bổng thạc sỹ toàn phần Đại học Kookmin, Hàn Quốc (Ảnh trái); Đoàn Minh Thùy (K56 QLTNTN CTTT), Học bổng thạc sỹ toàn phần Đại học Saskatchewan, Canada (Ảnh phải)

Hoàng Thế Trung (K57 QLTNTN CTTT), Học bổng thạc sỹ toàn phần Đại học Eastern Finland, Phần Lan (Ảnh trái); Phan Quốc Dũng (K58 QLTNTN CTTT), Học bổng thạc sỹ toàn phần Đại học Kỹ thuật Dresden, CHLB Đức (Ảnh phải)

 

3.3. Kết quả đào tạo đại học và sau đại học

Số lượng sinh viên đã tốt nghiệp

Bậc đại học

Số lượng

     Kỹ sư Quản lý Tài nguyên rừng (hệ chính quy)

3037

     Kỹ sư Quản lý Tài nguyên rừng  (hệ VLVH và liên thông)

1080

     Cử nhân Khoa học môi trường

1634

     Cử nhân Quản lý Tài nguyên thiên nhiên (đào tạo bằng tiếng Anh)

160

     Cử nhân Quản lý Tài nguyên thiên nhiên (đào tạo bằng tiếng Việt)

689

Bậc sau đại học

 

      Thạc  sỹ Quản lý Tài nguyên rừng

461

      Thạc sỹ Khoa học môi trường

56

      Tiến sỹ Quản lý Tài nguyên rừng

06

3.4. Vị trí công tác của sinh viên Khoa QLTNR&MT sau khi ra trường

  • Các cơ quan quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ như các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển…;
  • Các cơ quan nhà nước về quản lý tài nguyên rừng và môi trường các cấp như: Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Khoa học và công nghệ, Cục bảo tồn đa đạng sinh học, Sở tài nguyên môi trường… thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ…;
  • Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Lâm nghiệp và Môi trường: Trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Quốc gia, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Nông Lâm Huế, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Điều tra và Quy hoạch rừng… và các cơ sở đào tạo và nghiên cứu nước ngoài;
  • Các doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty giấy Việt Nam…;
  • Kiểm lâm và Cảnh sát môi trường tại các đơn vị trong cả nước;
  • Các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ môi trường… như WWF, ENV, BirdLife, IUCN, SNV, FFI…

4. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế

4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cán bộ giảng viên

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa đã và đang thực hiện 05 đề tài cấp Nhà nước, 30 đề tài cấp Bộ và tương đương, trên 50 đề tài cấp Cơ sở, và 02 đề tài hợp tác quốc tế. Ngoài ra, các cán bộ của Khoa còn tham gia nhiều dự án thuộc lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên. Có thể khẳng định, hoạt động NCKH&CGCN góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ khoa học của giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời khẳng định vị thế và uy tín của Khoa đối với nhà trường và với xã hội. Kết quả của các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ... do các các bộ giảng viên khoa QLTNR&MT đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra của xã hội.

Sản phẩm chuyển giao công nghệ của Khoa QLTNR&MT đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả

  • Một số công trình nghiên cứu điển hình:

TT

Tên đề tài

Cấp quản lý

Chủ trì

1

Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phòng chống và khắc phục hậu quả cháy rừng cho vùng U Minh và Tây Nguyên (KC.08.24) (2003 – 2005)

Cấp Nhà nước

GS. TS. Vương Văn Quỳnh

2

Nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp sâu hại măng các loài Tre đang trồng phổ biến ở Việt Nam (2006-2008)

Cấp Bộ

GS. TS. Nguyễn Thế Nhã

3

Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp và phần mềm cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong toàn quốc (2006)

Cấp Bộ

PGS. TS. Bế Minh Châu

4

Nghiên cứu thu thập bảo tồn nguồn gen thực vật rừng đặc hữu và quý hiếm trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (2007 – 2009)

Cấp Bộ

PGS.TS. Trần Ngọc Hải

 

4.2. Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên

     Bên cạnh hoạt động nghiên cứu của đội ngũ cán bộ giảng viên, khoa QLTNR&MT cũng dành sự quan tâm rất lớn tới hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Hàng năm, Khoa luôn là đơn vị đi đầu, thể hiện qua số lượng từ 25 - 30 chuyên đề nghiên cứu được thực hiện thu hút từ 50 - 80 sinh viên tham gia. Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên khoa QLTNR&MT có chất lượng cao và dành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Trong đó, có 04 giải Nhất, 03 giải Nhì, 04 giải Ba, 06 giải Khuyến khích trong các cuộc thi về nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT và quỹ VIFOTECH, 02 đạt giải Nhì tại Hội nghị Khoa học Công nghệ tuổi trẻ các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp lần thứ 2 và lần thứ 4 tại Tp. Hồ Chí Minh và Thái Nguyên, và đặc biệt là 01 giải nhất và 01 giải nhì và 01 giải ba "Olympic Thanh niên nghiên cứu khoa học Quốc tế về Lâm nghiệp" các năm 2010 và 2015, tổ chức tại Mátxcơva với hơn 20 quốc gia tham dự.

Sinh viên Khoa QLTNR&MT nhận giải nhất Tài năng Khoa học trẻ Việt nam năm 2012

 

Sinh viên Khoa QLTNR&MT nhận giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học Thanh thiếu niên quốc tế về Lâm Nghiệp lần thứ VII tại Liên Bang Nga

4.3. Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước

     Khoa Quản lý TNR &MT đã tích cực hợp tác với các quốc gia, các viện, trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo nhằm nhanh chóng tiếp cận với chuẩn mực khoa học và công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Khoa có mối quan hệ hợp tác thường xuyên với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức về lâm nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn trên thế giới, như: Đại học Tổng hợp Bang Colorado - Hoa Kỳ (CSU), Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dresden - Cộng hòa Liên bang Đức, Đại học Tổng hợp Leiden - Hà Lan, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Quốc gia Philippines, Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh - Trung Quốc... và các tổ chức quốc tế như WWF, ENV, IUCN, FFI, JICA...

Giáo sư Lee McDonald – Đại học Tổng hợp Bang Colorado, Hoa Kỳ, trao học bổng hợp tác cho sinh viên chương trình tiên tiến, Khoa QLTNR&MT

5. Công tác văn thể và phong trào thanh niên

     Cùng với sự đóng góp to lớn vào công tác đào tạo và nghiên cứu của trường Đại học Lâm nghiệp, khoa QLTNR&MT cũng luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác văn thể và phong trào thanh niên.

     Phong trào thể thao luôn luôn là thế mạnh của khoa QLTNR&MT. Trước các giải thể thao thường niên của nhà trường, Khoa luôn luôn chủ động thành lập các đội tuyển và bố trí tập luyện các môn như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, bơi lội… và liên tục đạt thành tích cao nhiều năm liền, nhiều năm liên tục vào chung kết các nội dung thi đấu. Đặc biệt mới đây, mùa giải 2018 đánh dấu thành công vang dội với hàng loạt các giải thưởng thể thao, có thể kể đến chức vô địch bóng đá công đoàn trường, chức vô địch bóng đá nữ sinh viên, chức vô địch bóng đá nam sinh viên, giải nhất giải chạy việt dã… đóng góp thêm nhiều phần thưởng, cúp và cờ lưu niệm cho phòng truyền thống của Khoa.

Câu lạc bộ Khoa QLTNR&MT dành chức vô địch Giải bóng đá nam sinh viên, trường ĐH Lâm Nghiệp năm 2018

 

Các cô gái Khoa QLTNR&MT dành chức vô địch Giải bóng đá nữ sinh viên, trường ĐH Lâm Nghiệp năm 2018

 

Liên quân của khoa QLTNR&MT dành chức vô địch Giải bóng đá thường niên nam cán bộ viên chức, lao động trường Đại học Lâm Nghiệp lần thứ II năm 2018

Bên cạnh hoạt động thể thao, các hoạt động đoàn - hội - đội - nhóm và công tác tình nguyện của Khoa cũng rất sôi nổi. Sinh viên của Khoa tham gia vào hầu hết các câu lạc bộ thanh niên trong trường. Đặc biệt, với thế mạnh là vốn kiến thức được trau dồi về tài nguyên rừng và môi trường, nhiều bạn giữ các vị trí trong ban chủ nhiệm, là nòng cốt cho các câu lạc bộ, nhóm tuyên truyền với mục đích bảo vệ môi trường, nổi trội như câu lạc bộ Green For Future (GFF) hay câu lạc bộ Ước Mơ Xanh. Các câu lạc bộ cùng với đội thanh niên tình nguyện Khoa luôn là lá cờ đầu trong các phong trào xung kích, các hoạt động tổ chức sự kiện trong Khoa và cả của nhà trường.

Sinh viên Khoa QLTNR&MT tham gia kỷ niệm Câu lạc bộ Green For Future tròn 5 tuổi

 


Chia sẻ