ĐOÀN CÔNG TÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP ĐẾN LÀM VIỆC VÀ TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU VỚI VQG CÚC PHƯƠNG VÀ TRUNG TÂM BẢO TỒN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VIỆT NAM

25 tháng 2, 2022

Đoàn công tác Trường Đại học Lâm nghiệp gồm 4 thành viên do Phó Hiệu trưởng - PGS.TS. Phùng Văn Khoa (Trưởng đoàn) cùng các thành viên Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường: PGS.TS. Nguyễn Hải Hòa, PGS.TS. Lê Bảo Thanh (Phó Trưởng Khoa); PGS.TS. Lưu Quang Vinh (Trưởng BM ĐVR), TS. Hoàng Thị Hằng (Phó Trưởng Phòng KH&CN) đã đến thăm, làm việc nhằm tăng cương hợp tác đào tạo, nghiên cứu với VQG Cúc Phương, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife - SVW) từ ngày 21 – 22/02/2022.

Đoàn công tác tặng quà lưu niệm của trường Đại học Lâm nghiệp cho VQG Cúc Phương

Tại VQG Cúc Phương, Đoàn công tác đã được đại diện Ban quản lý VQG Cúc Phương giới thiệu về lịch sử phát triển của Vườn, các cơ hội trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu với Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Ông Đỗ Văn Lập – Phó Giám đốc VQG Cúc Phương giới thiệu về VQG Cúc Phương

Vườn quốc gia Cúc Phương là VQG đầu tiên của Việt Nam được thành lập từ năm 1962 theo Quyết định số 72/TTg ngày 07/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 139/CT ngày 09/5/1998 của Chính phủ. VGQ Cúc Phương có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn. Bên cạnh đó, VQG Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Theo số liệu của ban quản lý VQG Cúc Phương có 2234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam. Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 336 loài chim cư trú, 135 loài thú (trong đó có loài Voọc mông trắng là loài thú linh trưởng đặc hữu và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương). Ngoài ra, VQG Cúc Phương còn có các trung tâm và chương trình cứu hộ động vật hoang dã: Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm, Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, Chương trình bảo tồn rùa. Vì vậy, từ lâu VQG đã là địa điểm lý tưởng cho các nghiên cứu, học tập, đào tạo của cán bộ và sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp.

Về phía trường Đại học Lâm nghiệp, PGS.TS. Phùng Văn Khoa đã giới thiệu ngắn gọn về Nhà trường, chiến lược và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu, cơ hội hợp tác trong thời gian tới.

PGS.TS. Phùng Văn Khoa – Phó Hiệu trưởng trường ĐHLN giới thiệu về Nhà trường và chiến lược phát triển đào tạo, hợp tác, nghiên cứu với VQG Cúc Phương

Hai bên cùng thảo luận các vấn đề trọng tâm bao gồm:

  • Tổ chức các lớp tập huấn (Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng; điều tra, giám sát các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm; xây dựng kế hoạch bảo tồn loài; phát triển du lịch sinh thái…). Cán bộ của VQG Cúc Phương cùng tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước do Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức hoặc đề xuất người tham gia);
  •  Sinh hoạt học thuật liên quan đến các nghiên cứu, bảo tồn các loài động thực vật hoang dã ở Việt Nam (Cán bộ của VQG Cúc Phương sẽ trình bày tại các buổi sinh hoạt học thuật cho cán bộ và học viên của Trường Đại học Lâm nghiệp về công tác nghiên cứu, cứu hộ, nhân nuôi, tái thả và bảo tồn các loài động thực vật hoang dã…);
  • Định hướng phát triển các đề tài, dự án liên quan đến bảo tồn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ hai cơ quan;
  • Tổ chức thực hiện việc mời, trao đổi chuyên gia cho việc nghiên cứu, bảo tồn từ hai cơ quan. Tham dự các sự kiện được tổ chức bởi hai cơ quan;
  • Tạo điều kiện, môi trường cho sinh viên của trường Đại học Lâm nghiệp có cơ hội học tập, thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học sinh viên tại VQG Cúc Phương (Trung tâm bảo tồn Rùa, Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Trung tâm bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và Tê tê…);
  • Tham gia hướng dẫn và đánh giá sinh viên thực tập tại VQG Cúc Phương. 

PGS.TS. Nguyễn Hải Hòa tham luận trong quá trình trao đổi hợp tác

Ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc VQG Cúc Phương trao đổi hợp tác

Tại Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife - SVW): Đoàn công tác được đại điện của SVW giới thiệu về định hướng và chiến lược phát triển của tổ chức và các cơ hội hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu.

Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc SVW – Phó chủ tịch Hội Bảo tồn tê tê thế giới – Người vừa nhận giải Nobel xanh năm 2021 giới thiệu và chia sẻ về Trung tâm

Đoàn công tác còn được trao đổi trực tuyến với một số cán bộ làm công tác bảo tồn ĐVHD

Về phía đoàn Trường ĐHLN, PGS.TS. Phùng Văn Khoa giới thiệu ngắn gọn về trường Đại học Lâm nghiệp, Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường và những chiến lược, định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu, cơ hội hợp tác. Hai bên cùng thảo luận các vấn đề trọng tâm bao gồm:

  • Tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt học thuật, trao đổi chuyên gia, mời chuyên gia của SVW trình bày tại các buổi sinh hoạt học thuật;
  • Hợp tác đề xuất nghiên cứu liên quan đến quản lý, bảo tồn động vật hoang dã;
  • Hợp tác tổ chức các đợt điều tra thực địa; công bố khoa học trong nghiên cứu và bảo tồn các loài động vật hoang dã;
  • Tạo điều kiện cho sinh viên của trường Đại học Lâm nghiệp làm thực tập sinh, nghiên cứu khoa học, thực tập tốt nghiệp tại SVW;
  • Tham gia hướng dẫn và đánh giá sinh viên thực tập tại Trung tâm;
  • Xây dựng quỹ học bổng cho sinh viên nghiên cứu về bảo tồn động vật hoang dã;
  • Thảo luận hợp tác đào tạo sinh viên ngành mới, ngành Bảo tồn động vật hoang dã (như yêu cầu về số lượng, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, thái độ…).

Hai bên chụp ảnh lưu niệm tại văn phòng Trung tâm SVW

Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác được ban lãnh đạo Vườn và Trung tâm đưa đi thăm quan và giới thiệu các trung tâm cứu hộ, bảo tàng của Vườn.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH THĂM QUAN CỦA ĐOÀN

TẠI VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG

Đoàn công tác đến thăm Bảo tàng Vườn quốc gia Cúc Phương:

Đoàn công tác đến thăm Trung tâm cứu hộ thú Linh trưởng:

Đoàn công tác đến thăm Trung tâm Bảo tồn rùa:

Người đưa tin: Giang Trọng Toàn

 

 


Chia sẻ

Tin nổi bật