CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN RÙA CHÂU Á PHỐI HỢP VỚI KHOA QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG VÀ MÔI TRƯỜNG TỔ CHỨC HỘI THẢO BẢO TỒN RÙA VÀ KÝ KẾT HỢP TÁC

26 tháng 3, 2022

Ngày 24 tháng 3 năm 2022, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP – Asian Turtle program) đã phối hợp với Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường (QLTNR&MT), Hội sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp, Câu lạc bộ Nhà bảo tồn trẻ và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) tổ chức Triển lãm tranh, Hội thảo về Công tác bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam.

  • Giới thiệu

Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) được thành lập năm 1998 và sáp nhập vào Vườn thú Cleveland Metroparks/Hiệp hội Vườn thú Cleveland khu vực châu Á năm 2003. Đến tháng 03 năm 2015, ATP đã sáp nhập vào tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) - Một tổ chức phi lợi nhuận được quản lý bởi Cục Quản lý doanh nghiệp Vương quốc Anh (Companies House), giấy chứng nhận tổ chức phi lợi nhuận số 1126123 được cấp bởi Ủy ban các tổ chức từ thiện (Charity Commission) vào năm 2018 tại London (https://asianturtleprogram.org).

Một số nhân sự chính của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP)

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay Chương trình ATP đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc nghiên cứu, bảo tồn sinh cảnh sống, truyền thông tới cộng đồng và xây dựng đội ngũ chuyên môn bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt châu Á. Các dự án chính đã và đang thực hiện của ATP gồm:

  • Dự án Rùa hoàn kiếm
  • Dự án Bảo tồn các loài rùa hộp
  • Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC)
  • Khóa đào tạo các kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam
  • Dự án Rùa trung bộ
  • Dự án Rùa đầu to

Chương trình ATP có sự phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế như TCC, ENV, TFT, WCS, WWF…tập trung nguồn lực vào các loài ưu tiên bảo tồn tại Việt Nam bao gồm các loài cực kỳ nguy cấp và/hoặc đặc hữu, điển hình như Rùa trung bộ (Mauremys annamensis), Rùa hộp trán vàng miền trung (Cuora bourreti), Rùa hộp trán vàng miền nam (Cuora picturata), Rùa hoàn kiếm (Rafetus swinhoei) -  Loài rùa được các chuyên gia đánh giá là loài rùa nguy cấp nhất thế giới. Bên cạnh các công tác bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt, các kỹ năng có sẵn của IMC cũng cho phép mở rộng phạm vi nghiên cứu đối với các nhóm loài khác cũng như cải thiện và thay đổi sinh kế trong tương lai gần (nguồn ATP).

  • Trao đổi và ký kết hợp tác hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu với Khoa QLTNR&MT

Chương trình ATP/IMC luôn mong muốn xây dựng đội ngũ chuyên môn bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt châu Á ngày càng lớn mạnh. Do đó, trong những năm qua, ATP đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng một cộng đồng các nhà bảo tồn trẻ, cũng như phát triển hoạt động bảo tồn các loài bản địa trong khu vực và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới về bảo tồn.

Nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên Khoa QLTNR&MT, đại diện ATP và lãnh đạo Khoa đã có buổi trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động bảo tồn.

Đại diện lãnh đạo Khoa và Bộ môn Động vật rừng trao đổi hợp tác với đại diện ATP

Về phía đại diện ATP mong muốn sinh viên Khoa QLTNR&MT nói riêng và sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp nói chung cần trau dồi tiếng Anh, các kỹ năng mềm, các hoạt động tình nguyện. Sinh viên năm thứ 3 cần tham gia nhiều hơn các hoạt động tình nguyện tại các cơ sở bảo tồn như ENV, WCS, ATP…Khoa QLTNR&MT nên mở rộng phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, thúc đẩy việc học tiếng Anh của sinh viên như một cơ hội trong tương lai.

Bà Bùi Thị An - Quản lý nhân sự và tài chính ATP trao đổi các nội dung hợp tác

Ông Hoàng Văn Hà - Điều phối viên chương trình rùa Việt Nam trao đổi hợp tác

Về phía Khoa QLTNR&MT nhận thấy rằng, ngoại ngữ đang là điểm yếu cần khắc phục với sinh viên của Khoa và Nhà trường. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, Khoa QLTNR&MT đang tìm kiếm hơn nhiều cơ hội cho sinh viên. Nhà trường đang có chương trình hợp tác học kỳ trao đổi với một số trường đại học ở Mỹ, Canada, Thủy Điển, Đức…Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu sẽ giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm, tiếp cận và làm quen với công việc thực tiễn. Tuy nhiên, nguồn đầu vào của Khoa và Nhà trường còn nhiều khó khăn đã hạn chế những chiến lược và định hướng phát triển. Khoa QLTNR&MT mong muốn có được nhiều hỗ trợ của các tổ chức nhằm tạo nên nguồn nhân lực tốt cho xã hội.

PGS.TS. Lê Bảo Thanh – Phó Chủ nhiệm Khoa QLTNR&MT trao đổi các nội dung hợp tác

PGS.TS. Lưu Quang Vinh – Trưởng Bộ môn Động vật rừng trao đổi các nội dung hợp tác

Hai bên đã đi đến thống nhất và thành lập Bản ghi nhớ hợp tác với các nội dung chính bao gồm:

  • Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường

- Giới thiệu sinh viên có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu, có tình yêu và đam mê với công tác bảo tồn rùa và động vật hoang dã nói chung tham gia vào các chương trình nghiên cứu, tập huấn, tình nguyện viên của ATP;

- Phối hợp với ATP tổ chức các chương trình nghiên cứu, tập huấn, bảo tồn rùa và các loài động vật hoang dã nói chung;

- Tạo điều kiện cho cán bộ ATP có đủ năng lực, đủ điều kiện tham gia hỗ trợ hướng dẫn nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên, luận văn thạc sỹ các ngành đào tạo của Khoa;

- Cử cán bộ, giảng viên có năng lực tham gia vào các chương trình nghiên cứu, tập huấn được tổ chức bởi ATP.

  • Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP)

- Cử cán bộ có đủ năng lực, đủ điều kiện tham gia hỗ trợ đào tạo các lớp tập huấn ngắn hạn cho sinh viên Khoa QLTNR&MT;

- Hỗ trợ tối thiểu 02 suất học bổng thường niên các khóa tập huấn do chương trình tổ chức cho sinh viên Khoa QLTNR&MT có đủ điều kiện đáp ứng;

- Hỗ trợ tối thiểu 01 suất học bổng thường niên các khóa tập huấn do chương trình tổ chức cho lưu học sinh Lào thuộc Khoa QLTNR&MT có đủ điều kiện đáp ứng;

- Hỗ trợ hàng năm cho ít nhất 01 sinh viên, học viên thực hiện nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ;

- Hỗ trợ cán bộ, giảng viên có năng lực của Khoa QLTNR&MT thực hiện, tham gia các chương trình nghiên cứu, tập huấn được tổ chức bởi ATP;

- Hỗ trợ các sinh viên thuộc Khoa QLTNR&MT thực hiện các khóa thực tập (thực tập sinh) tại ATP;

- Hỗ trợ địa bàn thực tập, các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học cho sinh viên và cán bộ của Khoa QLTNR&MT.

  • Hoạt động phối hợp của hai bên

- Hàng năm, hai bên cùng phối hợp tổ chức các hội thảo, chương trình tập huấn, tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về định hướng phát triển;

- Hai bên cùng phối hợp xây dựng các chương trình bảo tồn, xây dựng giáo trình, bài giảng, tài liệu và phương pháp đào tạo.

Khoa QLTNR&MT và Chương trình ATP ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

PGS.TS. Nguyễn Hải Hòa – Phó Chủ nhiệm Khoa tặng quà lưu niệm chương trình ATP

  • Hội thảo Bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt ở Việt Nam

Một trong những nội dung quan trọng của đoàn công tác Chương trình ATP là tổ chức Hội thảo Bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt ở Việt Nam nhằm giúp sinh viên có sự hiểu biết về các loài rùa ở Việt Nam cũng như nhận thức về tình trạng của các loài rùa đang phải đối mặt với nguy cơ bị săn bắt, buôn bán để có những hành động về bảo tồn. Buổi Hội thảo có sự tham gia của ông Phạm Gia Thanh – Bí thư Đoàn trường Đại học Lâm nghiệp, ông Nguyễn Duy Vượng – Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp, Bà Đặng Thúy Nga – đại diện Trung tâm ENV, đại diện lãnh đạo Khoa QLTNR&MT, các thầy cô giáo bộ môn Động vật rừng và hàng trăm các bạn sinh viên đam mê với công tác bảo tồn.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Đại diện Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp tham dự hội thảo

PGS. TS. Nguyễn Hải Hòa – Phó chủ nhiệm Khoa QLTNR&MT khai mạc buổi Hội thảo

NGUT. PGS.TS. Trần Ngọc Hải – Nguyên Phó chủ nhiệm Khoa phát biểu tại buổi Hội thảo

Ths. Trần Văn Dũng – Giảng viên Bộ môn Động vật rừng giới thiệu về Khoa QLTNR&MT và một số thành tựu nổi bật về công tác bảo tồn động vật của Khoa và Bộ môn

Trong buổi Hội thảo, ông Hoàng Văn Hà – Điều phối viên chương trình Rùa Việt Nam đã giới thiệu về "Cuộc khủng hoảng các loài rùa châu Á": các loài rùa ở Việt Nam, cập nhật về các mối đe dọa, hiện trạng buôn bán các loài rùa châu Á đang phải đối mặt, hiện trạng bảo tồn và pháp luật bảo vệ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Hà giới thiệu về ATP và cuộc khủng hoảng rùa châu Á

Trong năm 2022, Chương trình ATP tổ chức Khóa đào tạo kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Cũng nhân dịp này, ATP giới thiệu về Khóa đào tạo và mở ra cơ hội cho các bạn sinh viên nhận học bổng toàn phần tham gia Khóa học này.

Ông Hoàng Văn Hà giới thiệu Khóa đào tạo kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa

Xen giữa buổi Hội thảo là chương trình văn nghệ và các trò chơi liên quan đến các hoạt động bảo tồn và được sinh viên tham gia nhiệt tình.

Sinh viên Linh – Khóa 66 ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên giao lưu 2 tiết mục văn nghệ

ATP tổ chức Trò chơi trả lời các câu hỏi liên quan đến rùa thông qua Quiziss

Bà Bùi Thị An trao giải thưởng cho các bạn sinh viên chiến thắng trong trò chơi

Cũng trong chương trình Hội thảo, các bạn sinh viên của được bà Đặng Thúy Nga – đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) chia sẻ về tình trạng bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam và mạng lưới tình nguyện viên của ENV ở Việt Nam.

Bà Đặng Thúy Nga giới thiệu về Trung tâm ENV và mạng lưới tình nguyện viên

Trong buổi Hội thảo, Chương trình ATP đã nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên về các loài rùa cạn, rùa nước ngọt cũng như về hoạt động bảo tồn chúng.

Ông Hoàng Văn Hà giao lưu và trả lời các câu hỏi của sinh viên

Một số hình ảnh của sinh viên giao lưu với ATP tại buổi Hội thảo:

Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid và tuân thủ 5K của Bộ y tế nhưng sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp vẫn rất quan tâm tới buổi Hội thảo. Sinh viên bày tỏ mong muốn có nhiều chương trình bổ ích hơn nữa trong thời gian tới để được học hỏi, tiếp cận nhiều hơn với công tác bảo tồn.

Kết thúc buổi Hội thảo, PGS.TS. Lưu Quang Vinh đại diện Khoa QLTNR&MT gửi lời cảm ơn tới Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), Hội sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp, Câu lạc bộ Nhà bảo tồn trẻ và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) đã tổ chức buổi Hội thảo Công tác bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam đầy ý nghĩa và thiết thực. Cùng với những nội dung đã ký kết, hợp tác giữa Khoa QLTNR&MT và ATP, rất hi vọng sẽ có nhiều cuộc Hội thảo được tổ chức thường niên để nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm bảo tồn nguồn tài nguyên nước nhà và đặc biệt chớm nở thêm nhiều tình yêu của sinh viên với công tác bảo tồn rùa ở Việt Nam.

PGS. TS. Lưu Quang Vinh bế mạc Hội thảo

  • Triển lãm tranh về rùa cạn và rùa nước ngọt ở Việt Nam

Một trong những nội dung rất ý nghĩa và thiết thực khác của Chương trình ATP trong đợt này là tổ chức buổi Triển lãm tranh về các loài rùa cạn, rùa nước ngọt; các mối đe dọa đến rùa và gửi thông điệp của sinh viên tới bảo tồn rùa ở Việt Nam. Buổi triển lãm tranh được tổ chức tại Quảng trường sinh viên – trường Đại học Lâm nghiệp với sự phối hợp của Hội sinh viên, Câu lạc bộ Nhà bảo tồn trẻ trường Đại học Lâm nghiệp.

Đoàn công tác ATP chụp ảnh lưu niệm với các thầy cô Bộ môn Động vật rừng và các bạn sinh viên tại điểm triển lãm tranh

Buổi triển lãm tranh được thực hiện từ lúc 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Thông qua các bức tranh, ATP muốn truyền tải thông điệp nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo tồn các loài rùa ở Việt Nam trước bối cảnh suy thoái nghiêm trọng như hiện nay.

Ông Hoàng Văn Hà giới thiệu về từng loài rùa ở Việt Nam tới các bạn sinh viên thông qua các bức tranh trưng bày

Ông Nguyễn Tài Thắng giới thiệu về các mối đe dọa tới rùa hiện nay ở Việt Nam tới sinh viên

Các thành viên Hội sinh viên, câu lạc bộ Nhà bảo tồn trẻ nhiệt tình hỗ trợ hướng dẫn các bạn sinh viên về các bước tranh triển lãm.

Các bạn sinh viên câu lạc bộ Nhà bảo tồn trẻ phát tờ rơi về công tác bảo tồn rùa tới các bạn sinh viên quan tâm

Các bạn sinh viên gửi thông điệp bảo tồn rùa tại điểm triển lãm tranh

Người đưa tin: Giang Trọng Toàn


Chia sẻ

Tin nổi bật