HAI SINH VIÊN KHOA QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG VÀ MÔI TRƯỜNG XUẤT SẮC NHẬN HỌC BỔNG TOÀN PHẦN ERASMUS CHÂU ÂU

9 tháng 5, 2021

Hai sinh viên Kiều Thúy Quỳnh và Đỗ Thị Kim Thanh theo học ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên (Chương tình tiên tiến) tại Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp đã cùng nhau xuất sắc đạt học bổng toàn phần bậc Thạc sỹ Mundus với ngành học Sustainable Forest and Nature (SUFONAMA – Rừng và thiên nhiên bền vững) do cơ quan Liên minh châu Âu (EU) cấp học bổng.

Sinh viên Đỗ Thị Kim Thanh (K61- QLTNTN_TT)

Sinh viên Kiều Thúy Quỳnh (K61- QLTNTN_TT)

Xuất học bổng Erasmus Mundus do liên minh Châu Âu tài trợ là học bổng toàn phần bao gồm toàn bộ học phí, phí sinh hoạt, bảo hiểm, và chi phí đi lại. Theo đó, bạn Kiều Thúy Quỳnh sẽ học tập tại 2 trường Đại học Bangor, Anh Quốc và trường đại học Gottingen, Đức; còn bạn Đỗ Thị Kim Thanh sẽ học tại trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch và trường đại học Bangor, Anh Quốc. Theo kế hoạch đầu tháng 9 hai bạn sẽ nhập học, tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên cần phải chờ thêm thông tin của các quốc gia và trường Đại học bên kia.

Chia sẻ cảm xúc về khoảnh khắc nhận thông tin mình đã trúng học bổng, Quỳnh cho biết: "Khi nhận được email đỗ học bổng này mình thực sự rất vui mừng và hạnh phúc, ngay lập tức chưa thể tin mình lại có một cơ hội lớn đến vậy. Đây cũng là động lực để em cố gắng hơn nữa trong khoảng thời gian sắp tới và cũng là món quà đền đáp cho hơn 4 năm nỗ lực cố gắng và công lao định hướng, dạy dỗ của các thầy cô trường Đại học Lâm Nghiệp". Còn Thanh khi nhận được thông tin mình trúng học bổng là lúc đang làm việc ở cơ quan, Thanh chia sẻ: "Mình đã rất bất ngờ, bật dậy chạy ra ngoài, đầu tiên mình thông báo đến là bố mẹ, thầy giáo hướng dẫn và bạn bè. Có lẽ đây là khoảnh khắc tim đập và tay run, một cảm giác thật khó tả khi mình nhắn tới mọi người. Mình rất vui và hạnh phúc".

Quỳnh cho biết thêm: "Từ tiêu chí lựa chọn của học bổng Erasmus học bổng ưu tiên 60% cho điểm GPA, nên bọn mình đã cố gắng học kiến thức ở trên lớp để đạt điểm thật cao. Năm thứ 3 tham gia nghiên cứu khoa học do thầy Bùi Xuân Dũng hướng dẫn và đạt giải cao, từ đó bọn mình theo thầy để có thể viết báo khoa học cho việc dễ dàng apply hơn. Mình không có năng khiếu và cũng không phải là người thông minh trong việc tiếp thu kiến thức mới, tuy nhiên với phương pháp dạy học và cách truyền tải kiến thức của các thầy cô dạy Chương trình tiên tiến làm mình thấy những môn khoa học chuyên ngành trở nên thú vị hơn, khơi gợi sự tự học, tự tìm hiểu, khám phá của mình nên mình cũng học hăng say hơn, và kết quả cũng khả quan hơn. Ngoài ra, bọn mình cũng tham gia câu lạc bộ Green For Future và đứng ra tổ chức một vào hoạt động lớn nhỏ trong và ngoài Hà Nội để trau dồi kĩ năng mềm. Song song đó, là trau dồi thêm kĩ năng Tiếng Anh vì ngay từ khi vào học đại học Tiếng Anh bọn mình gần như là không có".

Quỳnh biết đến học bổng ERASMUS từ khi bắt đầu học năm nhất qua bài báo về Chảo Thị Yến (Một cựu sinh viên của Khoa, Nhà trường về tấm gương vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập, suất sắc nhận học bổng ERASMUS) nhưng khi đó với mình học bổng chỉ là một cái tên rất "xa xỉ" và mình cũng mong muốn một ngày có thể chạm tay tới nó. Vì thế ngay từ kỳ 2 của năm nhất khi bắt đầu học các môn đại cương về chuyên ngành mình đã xác định được lĩnh vực mình yêu thích là thủy văn và xin thầy Bùi Xuân Dũng hướng dẫn và định hướng theo mảng này. Chính thầy là người đã định hướng cho mình làm nghiên cứu, viết báo và đi du học. Khi đã có định hướng, mình cũng nhận được sự tư vấn của thầy Dũng và các thầy cô khoa Quản lý để xây dựng mục tiêu và kế hoạch rõ ràng hơn.

Thanh chia sẻ quá trình học tập phấn đấu khi ngồi trên ghế nhà trường: Về học tập, trên lớp mình luôn cố gắng dành nhiều thời gian cho các môn học đặc biệt là các môn chuyên ngành, hơn thế nữa mình còn tham gia nghiên cứu khoa học, trình bày nghiên cứu trong các hội thảo khoa học cơ sở và quốc tế. Nhờ sự giúp đỡ của thầy Bùi Xuân Dũng, mình còn có cơ hội được trao đổi và làm việc cùng các giáo sư và sinh viên của trường đại học TUAT, Nhật Bản để mở rộng kiến thức và trau dồi kỹ năng. Bên cạnh đó, một điều không thể thiếu và cũng góp phần làm tăng tính cạnh tranh cho hồ sơ xin học bổng chính là những đóng góp xã hội. Trong suốt hơn 4 năm học tại trường mình chỉ tham gia duy nhất một câu lạc bộ học thuật là Green For Future. Dưới sự cố vấn của thầy Hoàng Văn Sâm, mình và các bạn CLB đã thực hiện được nhiều dự án dựa trên sự áp dụng kiến thức chuyên ngành lâm nghiệp vào các hoạt động cộng đồng. Khi đã trưởng thành từ CLB trong trường, mình tiếp tục tham gia sáng kiến ACCB hành động vì Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu để có thêm kinh nghiệm làm việc và trải nghiệm."

Thanh và Quỳnh trong các hoạt động của CLB Green For Future. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thanh cho biết thêm, việc xin học bổng cũng dễ dàng và đỗ ngay từ lần đầu tiên: Mình đã từng trượt phỏng vấn 2 lần liên tiếp học bổng YSEALI dành cho lãnh đạo trẻ Đông Nam Á của ĐSQ Mỹ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau những lần thất bại đó mình càng cố gắng để hoàn thiện bản thân hơn về mọi mặt học tập, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm và đặc biệt là kỹ năng Tiếng Anh. Rất may mắn cho mình khi được học Chương trình tiên tiến, mình được học tập và làm việc trong môi trường "Tiếng Anh" trong suốt hơn 4 năm, được học từ các thầy cô, và các bạn hàng ngày và sau khi ra trường mình tự tin giao tiếp, làm việc và học lên cao hơn. Mình biết đến học bổng ERASMUS nhờ những thông tin học bổng của các anh chị khóa trên, bên cạnh đó được các thầy cô định hướng theo học bổng này. Mục tiêu của mình là cố gắng trau dồi kiến thức, đạt đểm cao, viết báo khoa học về mảng Thủy văn và Chất lượng nước. Trong quá trình học tập, mình đã gặp rất nhiều khó khăn như không hiểu các khái niệm chuyên ngành vì học bằng Tiếng Anh mà. Lúc đó, mình đã mạnh dạn kết nối với các anh chị khóa trên để hỏi và xin tài liệu học tập. Bên cạnh đó, thầy Bùi Xuân Dũng cũng hướng dẫn mình chi tiết từng li từng tý để mình tiếp cần thông tin kiến thức một cách dễ dàng nhất.

PGS. TS. Bùi Xuân Dũng, Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường là người hướng dẫn Thanh và Quỳnh trong học tập, nghiên cứu và định hướng con đường du học. Thầy Dũng chia sẻ: "Tôi nhận thấy cả 2 sinh viên Quỳnh và Thanh đều có năng lực chuyên môn tốt, có ước mơ và kiên trì theo đuổi ước mơ. Sự thành công sớm đến với các em sau khi tốt nghiệp chỉ sau 4 tháng ra trường đã có học bổng châu Âu, bên cạnh năng lực tốt của các em còn đóng góp rất nhiều từ kế hoạch dài hơi mà các em đã theo đuổi trong suốt các năm học đại học. Các em đã lựa chọn một chuyên môn cụ thể để gắn bó trong suốt quá trình học và tham gia nghiên cứu khoa học rất sớm từ cuối năm thứ 2 và cùng giáo viên hướng dẫn viết và công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín cũng như tham gia các hội thảo khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. Trên hành trình này các em đã rất kiên trì thực hiện kế hoạch, đam mê nghiên và khát khao vươn cao để đạt được mục tiêu mình đề ra. Tôi thấy rất vui và tự hào về những thành tích các em đã đạt được".

Thầy và trò tại Hội nghị Vietnam – Japan Science and Technlogy Symposium (VJST 2019)

Quỳnh sinh ra trong một gia đình 3 đời làm nghề giáo đến đời mình thì làm lâm nghiệp. Quỳnh cho biết: Mình lựa chọn trường Đại học Lâm Nghiệp khi mình bắt đầu có nhận thức về sự suy thoái và ô nhiễm môi trường ở quê đặc biệt là nguồn nước, mình bắt đầu muốn học và tìm hiểu về vấn đề đang ngày càng trở nên bức thiết này. Được sự giới thiệu, mình bắt đầu tìm hiểu về trường Đại học Lâm Nghiệp, ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên chương trình tiên tiến. Học một ngành tại Việt Nam, liên kết với trường đại học Colorado của Mỹ, học bằng tiếng Anh và học phí cũng không quá đắt đỏ thì "tội gì mà không học", đó là suy nghĩ năm 18 tuổi của mình và mình quyết định nộp hồ sơ và học tại trường Đại học Lâm Nghiệp. Cho đến giờ phút này mình vẫn khẳng định sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn". Sau hơn 4 năm học tại trường, Quỳnh có được những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vô cùng quý báu hơn thế nữa là sự định hướng và truyền lửa của các thầy cô. Với sự hướng dẫn tận tình, quan tâm của các thầy cô giáo của Khoa, Nhà trường, sau khi ra trường thầy hướng dẫn của Quỳnh vẫn định hướng cho Quỳnh làm nghiên cứu khoa học, viết báo khoa học phát triển lên từ khóa luận, Quỳnh được tham gia thực hiện các dự án cộng đồng, trải nghiệm thiên nhiên, các thầy cô thường xuyên chia sẻ các cơ hội học bổng và sẵn sàng viết thư giới thiệu apply các học bổng và một trong số đó là học bổng ERASMUS. Với sự định hướng của thầy cô Quỳnh luôn tâm niệm rằng khi học cao lên, có kiến thức chuyên sâu về lâm nghiệp và môi trường mình có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho nền lâm nghiệp nước nhà và cho môi trường của nhân loại. Học ở nước ngoài có cơ hội nhiều hơn tiếp cận với những hướng đi mới, bắt kịp với xu thế toàn cầu và sẽ có những giải pháp mang tính áp dụng, hiệu quả hơn cho bối cảnh Việt Nam. Bởi vậy trong suốt thời gian học tập chưa bao giờ ước mơ đi du học trong Quỳnh nguội lạnh và luôn cố gắng phấn đấu cho mục tiêu đó.

 

Quỳnh tham gia hoạt động CLB với Chương tình Cây miền ngược, nước miền xuôi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia Pà Cò, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Còn Thanh thì luôn nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, Thanh cho hay: "Mọi con đường đều do mình lựa chọn và bố mẹ luôn ủng hộ quyết định của mình. Mình có tìm hiểu về lĩnh vực mình sẽ theo học, nghĩ rằng trong tương lai môi trường và rừng sẽ ngày càng phát triển, dễ kiếm việc làm nên mình đã quyết định vào Trường Đại học Lâm nghiệp và theo học ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên chương tình tiên tiến để có thể học thêm cả Tiếng Anh. Trong quá trình học, tham gia nhiều chương trình và đi thực địa tại các vùng sâu vùng xa, mình nhận ra mình thích làm việc với cộng đồng, mong muốn đem lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên mình nhận thấy, ở Việt Nam thì chưa đủ, mình muốn đi học ở nước ngoải để học hỏi nhiều kinh nghiệm hay hơn. Từ đó mình nuôi ước mơ du học."

Thanh cùng hoạt động Actions for Climate Change and Biodiversity. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với ngành học Rừng và thiên nhiên bền vững, khi đi du học Thanh và Quỳnh vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình với Lâm nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực thủy văn rừng. Với mong muốn học chuyên sâu hơn về lĩnh vực mình đã chọn từ đại học vì như vậy các bạn sẽ có kiến thức nền tốt hơn và phát triển tốt hơn cho khóa thạc sĩ. Hy vọng những kiến thức, hành trang các bạn đã tích lũy được sẽ giúp ích được cho chính bản thân mình và cống hiến một phần vô cùng nhỏ bé cho nền lâm nghiệp nước nhà.

"Khi chúng ta tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm, sự tự tin và trưởng thành, học bổng sẽ không còn là điều quá xa vời. Các bạn làm gì hãy nghĩ đến mục tiêu của mình và quyết tâm thực hiện nó, mặc dù có khó khăn nhưng từ đó hãy nhìn nhận lại và không ngừng cố gắng. Hãy luôn đam mê, học hỏi, khám phá để tích lũy kiến thức kinh nghiệm. Chúc các bạn sẽ đạt được ước mơ của mình" là những kinh nghiệm và lời khuyên của hai bạn cho các bạn sinh viên đang có mục tiêu đi du học.

Người đưa tin: Lê Văn Vương


Chia sẻ

Tin nổi bật