Cơ sở vật chất Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường

20 tháng 9, 2020

Cơ sở vật chất (CSVC) và trang thiết bị là hệ thống các phương tiện vật chất kỹ thuật khác nhau được sử dụng để phục vụ cho công tác đào tạo. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng dạy học và nâng cao khả năng sư phạm.

Trong những năm qua, Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường (QLTNR&MT) đã sử dụng có hiệu quả CSVC được Nhà trường trang bị phục vụ cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trải qua           quá trình xây dựng và phát triển, CSVC và trang thiết bị của Khoa QLTNR&MT cũng từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung của Khoa và Nhà trường. Hệ thống CSVC được đầu tư toàn diện ở 6 bộ môn, 02 trung tâm, văn phòng khoa và các khu thực hành, thí nghiệm. Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững và Trung tâm Phân tích môi trường và Ứng dụng địa không là hai đơn vị của Khoa phục vụ chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu, thực hành, thực tập của sinh viên nên được trang bị hệ thống CSVC đa dạng, đáp ứng cho xu thế phát triển của ngành.

1. Cơ sở vật chất tại Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững (ĐDSH&QLRBV)

Trung tâm Đa dạng sinh học

Trung tâm ĐDSH&QLRBV nằm tại Tòa nhà T1 của Trường với diện tích 500m2. Trung tâm là nơi trưng bày mẫu vật bảo tồn, bảo tàng sinh học để phụ vụ cho học tập và giảng dạy các môn học liên quan đến tài nguyên rừng. Hiện nay, Trung tâm ĐDSH&QLRBV đang quản lý 6 phòng thực hành về thực vật, động vật, bảo vệ thực vật và một phòng nuôi cấy nấm của Khoa QLTNR&MT.

Phòng học Trung tâm đa dạng sinh học

Phòng tiêu bản thực vật đã đăng ký mã quốc tế là VNF, hiện có khoảng 10.000 mẫu tiêu bản. Phòng lưu trữ nhiều bộ mẫu quý hiếm của Việt Nam, đặc biệt lưu trữ mẫu chuẩn của 10 loài (TYPE). Trung tâm còn có hệ thống mẫu tiêu bản cho thực hành các môn học về thực vật rừng của Khoa (khoảng 2055 mẫu); 683 tiêu bản gỗ.

Phòng tiêu bản thực vật phục vụ thực hành cho sinh viên

Phòng tiêu bản lưỡng cư, bò sát có 927 mẫu; Phòng tiêu bản thú có 156 mẫu; Phòng tiêu bản chim có 116 mẫu. Các mẫu tiêu bản được bổ sung, thay thế hàng năm nhằm đa dạng hóa các mẫu vật hiện có ở Việt Nam và giúp sinh viên được học tập với các mẫu vật tốt nhất.

Phòng tiêu bản thú phục vụ thực hành cho sinh viên

Phòng tiêu bản chim phục vụ thực hành cho sinh viên

Phòng tiêu bản các loài lưỡng cư, bò sát phục vụ thực hành cho sinh viên

Phòng tiêu bản côn trùng, bệnh cây có khoảng 1000 mẫu tiêu bản côn trùng, 41 tiêu bản bệnh cây. Các mẫu tiêu bản côn trùng được bổ sung hàng năm với nhiều chủng loại giúp sinh viên tăng thêm vốn kiến thức về nguồn tài nguyên của nước nhà.

Phòng tiêu bản côn trùng phục vụ thực hành, thực tập cho sinh viên

Ngoài các phòng lưu trữ tiêu bản, Trung tâm còn quản lý Vườn sưu tập các loài bướm và côn trùng sống với diện tích khoảng 200m². Vườn sưu tập nằm ở núi Luốt trong khuôn viên của trường Đại học Lâm nghiệp. Khoa QLTNR&MT được giao quản lý trên diện tích khoảng 5000m2 nhằm phát triển các mô hình thực nghiệm phục vụ cho hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ, trưng bày và thực nghiệm sản xuất.

Vườn Bướm trong Khu bảo tồn Bướm và Côn trùng của Khoa

2. Cơ sở vật chất tại Trung tâm Phân tích môi trường và Ứng dụng công nghệ địa không gian (Trung tâm PTMT&UDCNDKG)

Trung tâm PTMT&UDCNDKG thuộc tòa nhà T6, T7 với 8 phòng thí nghiệm có diện tích 1.590m2 dành cho học tập và giảng dạy chuyên môn về hóa học và môi trường. Tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng giá trị thiết bị đã đầu tư cho Trung tâm khoảng 7,886 tỷ đồng và thường xuyên được bổ sung, thay thế theo đề xuất của lãnh đạo Khoa, Giám đốc Trung tâm và các Bộ môn nhằm phục vụ thí nghiệm, thực hành.

Trong năm 2016, Trung tâm PTMT&UDCNDKG của Khoa QLTNR&MT đã được mua sắm thêm các thiết bị phục vụ công tác dạy học và NCKH thuộc lĩnh vực tài nguyên rừng bao gồm: kính hiển vi, máy GPS, địa bàn cầm tay, thước kẹp điện tử, thước đo cao Blumleiss.

Nhằm tăng cường trang thiết bị khoa học công nghệ phân tích GIS và Viễn thám, Trung tâm đã được bổ sung các  thiết bị: 25 máy có tính năng và thông số kỹ thuật hiện đại cùng với hệ thống máy chủ cơ sở dữ liệu, máy chiếu, máy Scan khổ rộng, máy in màu, 05 phần mềm chuyên dụng kèm theo để tăng hiệu suất sử dụng máy đặt tại nhà T7 và phần mềm phân tích không gian, mô hình hóa dữ liệu theo các thủ tục hiện hành và đã được nghiệm thu để đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí cho mua sắm tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn lên đến 21,356 tỷ đồng.

Phòng thực hành GIS và Viễn thám được trang bị thiết bị hiện đại đáp ứng cho nhu cầu học tập của sinh viên và xu thế của xã hội

Song song với việc mua sắm mới tài sản, công tác sửa chữa và bảo dưỡng trang thiết bị cũng được quan tâm. Trong năm 2018, phòng thực hành của Trung tâm đã được thực hiện công tác sửa chữa và bảo dưỡng. Các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đã được trang bị phù hợp và thường xuyên bổ sung, nâng cấp đáp ứng công tác thí nghiệm, phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Sinh viên được học tập, nghiên cứu trong các phòng thực hành về môi trường được trang bị hiện đại

Phòng thực hành Công nghệ địa không gian

Phòng thực hành hóa học

3. Các cơ sở vật chất khác

Trước năm 2019, Khoa QLTNR&MT sử dụng Tầng 3 Nhà A1 và một số phòng tầng 2 Nhà A1 làm trụ sở của Khoa và các phòng thực hành thuộc Tòa nhà T6, T7, T8 và trung tâm Đa dạng sinh học thuộc Tòa nhà T1. Theo quy hoạch chung của Nhà trường, Tòa nhà A1 bị tháo rỡ để nâng cấp nên Trụ sở của Khoa chuyển lên khu vực Nhà T4; một số Bộ môn được chuyển lên khu vực Nhà T3.

Văn phòng làm việc của các bộ môn và trung tâm đều được trang bị đầy đủ hệ thống cảnh báo phòng chống tai nạn, hệ thống cửa được khóa bảo vệ chắc chắn, thiết bị điện hỗ trợ, máy móc và đầy đủ bàn ghế cho cán bộ làm việc và sinh viên nghiên cứu, trao đổi công việc liên quan. Trong mỗi năm học, cán bộ, giáo được trang bị các dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động, các thiết bị nâng cao chất lượng đào tạo, an toàn khi sử dụng lao động.

Trụ sở Khoa QLTNR&MT – Tầng 2, Tòa nhà T3
 

Văn phòng Khoa QLTNR&MT

Sinh viên của Khoa được học tập tại các giảng đường của Nhà trường. Các phòng học được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu học tập của sinh viên với quy mô hiện đại. Hiện nay, Nhà trường có 7 giảng đường phục vụ cho cho công tác dạy và học cho giảng viên và sinh viên của Khoa: từ giảng đường G1 đến G6 và T4. Hệ thống giảng đường được xây dựng kiên cố với 70 phòng học lớn nhỏ khác nhau có tổng diện tích 11.797m2. Các phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị âm thanh, camera, máy chiếu lắp đặt cố định và máy điều hòa nhiệt độ (Giảng đường G2).

Hội trường G6 – Phòng học lớn nhất tại trường Đại học Lâm nghiệp

Giảng đường G2 được trang bị thiết bị hiện đại dành cho sinh viên thuộc ngành Chương trình tiên tiến và cao học

Giảng đường G5 – Phòng học lớn thứ hai tại trường Đại học Lâm nghiệp

Giảng đường G1 – có nhiều phòng học đáp ứng được 200 sinh viên

Ngoài hệ thống các phòng dạy và học, sinh viên của Khoa QLTNR&MT có thể tự học tập, nghiên cứu tại thư viện của Nhà trường. Thư viện được trang bị đầy đủ các phòng đọc, tài liệu đa dạng và phong phú, hệ thống điện, điều hòa, nước sạch cung cấp đầy đủ cho sinh viên.

Một góc đọc của Thư viện trường Đại học Lâm nghiệp

Có thể nói, CSVC của trường Đại học Lâm nghiệp nói chung và Khoa QLTNR&MT nói riêng đã đáp ứng được yêu cầu của người dạy và học. Khoa QLTNR&MT đã và đang sử dụng có hiệu quả hệ thống CSVC, trang thiết bị sẵn có, nâng cấp và phát triển theo xu thế của thời đại, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo và NCKH cho các ngành.


Chia sẻ

Tin nổi bật