GIỚI THIỆU CHUNG VỀ KHOA QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG VÀ MÔI TRƯỜNG

30 tháng 8, 2020

Ngày 24/08/1995 Khoa Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng được thành lập theo Quyết định số 551/TCLĐ của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), với gần nhân lực ban đầu gồm 20 cán bộ thuộc 4 bộ môn là Bảo vệ thực vật rừng, Thực vật rừng, Động vật rừng và Quản lý môi trường.

Trong thời kỳ 2000 - 2005, ngoài lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng, vấn đề quản lý môi trường đã được sự quan tâm chú ý đặc biệt trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khoa đã mở rộng định hướng đào tạo từ quản lý tài nguyên rừng sang quản lý tài nguyên rừng và quản lý môi trường. Từ đó khoa có tên mới như hiện nay là Khoa Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (QLTNR&MT). Điều này được khẳng định thêm khi bên cạnh ngành Quản lý tài nguyên rừng, khoa được giao nhiệm vụ đào tạo thêm 06 ngành: Khoa học môi trường, ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên (chương trình tiên tiến dạy bằng tiếng Anh và chương trình chuẩn dạy bằng tiếng Việt), ngành Quản lý tài nguyên và Môi trường, ngành Bảo vệ thực vật, và gần đây nhất là ngành Du lịch sinh thái.

Khoa QLTNR&MT có chức năng, nhiệm vụ đào tạo kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng và cử nhân, thạc sỹ chuyên ngành Khoa học môi trường, kỹ sư chuyên ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên,  Quản lý tài nguyên và Môi trường, Bảo vệ thực vật, cử nhân Du lịch sinh thái; tham gia đào tạo kỹ sư  chuyên ngành Lâm học, Lâm nghiệp, Lâm nghiệp đô thị…. Nhiệm vụ quan trọng này đã được tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa thực hiện có trách nhiệm cao trong suốt 25 năm qua.

Giai đoạn 1995 - 2004 khoa từng bước xây dựng và phát triển ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường với 5 chuyên ngành được gọi là các "chuyên môn hóa", bao gồm: Quản lý tài nguyên rừng, Quản lý môi trường, Bảo vệ thực vật, Du lịch sinh thái và Lâm sản ngoài gỗ. Đây là các chuyên ngành tự chọn, được đào tạo vào năm thứ tư. Chuyên môn hóa Quản lý tài nguyên rừng bao gồm 2 lĩnh vực lớn là quản lý thực vật rừng và quản lý động vật hoang dã luôn luôn thu hút sự quan tâm của đa số sinh viên. Đây là chuyên ngành có số lượng sinh viên lớn nhất. Bên cạnh đó là sự phát triển khá mạnh của chuyên ngành Quản lý môi trường và Bảo vệ thực vật. Đây là cơ sở để khoa QLTNR&MT đề xuất mở thêm ngành đào tạo Khoa học Môi trường và Bảo vệ thực vật. Nhận thấy vai trò to lớn của loại hình du lịch sinh thái đối với tài nguyên rừng, nhu cầu có cán bộ quản lý du lịch ở các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn… Khoa QLTNR&MT đã kết hợp với Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội mở chuyên ngành Du lịch sinh thái vào năm học 2001 - 2002. Đây là tiền đề để mở ngành Du lịch sinh thái. Mặt  khác để đáp ứng nhu cầu phát triển Lâm sản ngoài gỗ trong công cuộc bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, từ năm học 2004 - 2005 Khoa QLTNR&MT bắt đầu đào tạo chuyên ngành Lâm sản ngoài gỗ.

Để thực hiện chủ trương đào tạo đa ngành, đa hệ của Nhà trường và đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội, sau một thời gian chuẩn bị nhân lực và chương trình đào tạo, bắt đầu từ năm học 2004 - 2005 Khoa QLTNR&MT đã tiến hành đào tạo ngành Khoa học môi trường. Từ năm 2010 - 2011 tiến hành đào tạo ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, chương trình đào tạo được hợp tác giữa Trường Đại học Lâm nghiệp và Đại học Colorado - Hoa Kỳ. Năm 2016 - 2017 khoa tiếp tục mở thêm 2 ngành mới là ngành Bảo vệ thực vật, Quản lý tài nguyên và Môi trường. Năm 2019-2020, ngành Du lịch sinh thái chính thức tuyển sinh đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ của Khoa QLTNR&MT đã liên tục được đào tạo và phát triển. Hiện nay, Khoa QLTNR&MT có 08 đơn vị trực thuộc (gồm 06 Bộ môn và 2 Trung tâm) với 62 cán bộ (49 người đang công tác tại trường Đại học Lâm nghiệp và 13 người đang đi học ở nước ngoài). Ngoài ra, Khoa còn có 4 cán bộ kiêm nhiệm thực hiện các công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các bộ môn và trung tâm.

Trong đó:

  • 10 Giáo sư, Phó giáo sư
  • 16 Tiến sĩ; 08 NCS
  • 26 Thạc sỹ
  • 06 cán bộ có trình độ kĩ sư, cử nhân

Tập thể cán bộ viên chức khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường

Hợp tác trong đào tạo cũng là một thế mạnh của Khoa QLTNR&MT. Khoa đã có những hoạt động hợp tác rất tốt với các cơ sở đào tạo ở trong nước như Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Đại học Quốc gia Hà Nội… Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế nhiều giảng viên của Khoa đã được cử đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài như Trung Quốc, Australia, Nhật, Hoa Kỳ… Sự hợp tác có hiệu quả giữa Trường Đại học Lâm nghiệp với Đại học Colorado (Hoa Kỳ) đã tạo điều kiện thuận lợi để chương trình tiên tiến, dạy và học bằng tiếng Anh được thực hiện.

Công tác đào tạo lại, đào tạo nâng cao thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn đã được các giảng viên của nhiều bộ môn tham gia với hiệu quả cao. Đó là các lớp tập huấn về kỹ năng điều tra, giám sát, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cán bộ kiểm lâm, kỹ thuật bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm, trồng và chăm sóc cây lâm sản ngoài gỗ, khuyến lâm, khuyến nông, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý lưu vực, bảo vệ thực vật….

Lớp Liên thông K1 Lai Châu ngành Quản lý Tài nguyên rừng chụp ảnh lưu niệm cùng các Thầy Cô giáo trong Khoa

Trong 25 năm qua, các kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo từ Khoa QLTNR&MT hiện có mặt ở các cơ quan kiểm lâm, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học… trên cả nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh chức năng đào tạo, Khoa QLTNR&MT đã nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách của xã hội. Định hướng này cũng phù hợp với định hướng phát triển của Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và góp phần nâng cao năng lực của giảng viên, trợ giảng cũng như chất lượng đào tạo. Khoa QLTNR&MT có đội ngũ cán bộ khoa học có uy tín trong ngành, đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản trong nước và ngoài nước, năng động, sáng tạo, bổ sung cho lực lượng cán bộ KHCN. Đội ngũ nhà khoa học trong khoa đã Chủ trì và tham gia cộng tác thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở, đăng hơn 300 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế, chủ trì và tham gia nhiều Hội nghị lớn nhỏ trong cả nước.

Với quá trình hình thành và phát triển liên tục, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường luôn xứng đáng là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Lâm nghiệp.

 

 

 


Chia sẻ

Tin nổi bật

3

Bản quyền: Trường Đại học Lâm nghiệp
Thiết kế bởi TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIETTEL 3

Số lượt truy cập
30344912
Online
788