Hiệu trưởng nhắn nhủ sinh viên: "Học đại học chăm chỉ thôi chưa đủ"

12 tháng 10, 2023

(Dân trí) - "Vào đại học không chỉ học hành, các em sinh viên chăm chỉ thôi chưa đủ mà phải kiên trì, vượt khó, hòa đồng tham gia các hoạt động xã hội".

Trên đây là lời nhắn nhủ của GS TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, nhằm truyền cảm hứng tới khoảng 10 nghìn sinh viên, học sinh nhà trường ở cả ba cơ sở đào tạo trong ngày khai giảng 11/10.

Mở đầu buổi khai giảng, GS Phạm Văn Điển gửi lời cảm ơn sinh viên đã lựa chọn ngôi trường này, đồng thời ông đặt niềm tin vào tất cả sinh viên, đội ngũ giảng viên, thầy cô giáo, cán bộ của nhà trường, hy vọng trường có thêm những sinh viên năng động, thành công trong năm học mới.

Cũng theo GS Điển, ông cảm ơn sinh viên, học sinh bởi các em đã lựa chọn vào đây, ngôi trường có bề dày phát triển 60 năm, đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị (Ảnh: Ng. Hoàn).

Sắp tới đây, thầy trò khóa mới (khóa 68) của nhà trường sẽ cùng nhau đi trên "dòng sông trí tuệ". Muốn đạt được điều đó, các em sinh viên phải vượt qua thách thức và vượt lên chính mình trong suốt thời gian 4 năm học.

"Vào đại học không chỉ học hành mà là quá trình khai tâm, khai trí và giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, là hành trình phát triển cá nhân toàn diện.Các em sinh viên chăm chỉ thôi chưa đủ, các em phải kiên trì, vượt khó, hòa đồng tham gia các hoạt động xã hội", thầy Điển nói.

Tại lễ khai giảng, nhà trường đã tặng thưởng thủ khoa, á khoa đầu vào năm 2023, cùng 12 suất học bổng trong học tập, rèn luyện năm 2023 cho sinh viên xuất sắc. Một nhà tâm lý học người Mỹ từng nói, học để hiện thực hóa con người mà mình mong muốn.

'Tôi nghĩ mọi thay đổi đều khó khăn nhưng trước hết sinh viên có thể thay đổi từ cách học.Các thầy cô sẽ giúp sinh viên, để mỗi người sẽ là sản phẩm hoàn thiện hơn của chính mình'.

Về phía nhà trường cũng tích cực quyết tâm đổi mới, cải thiện điều kiện giảng dạy, để là nơi người học tìm thấy chính mình, giúp các em có đủ năng lực chuyên môn để làm nghề, du học và tham gia các thị trường khó tính trên toàn cầu.

GS TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp (Ảnh: Ng. Hoàn).

Hiện hệ thống thư viện số của nhà trường đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất giảng đường, phòng thí nghiệm, ký túc xá để phục vụ sinh viên", trích lời của Hiệu trưởng nhà trường.

Phát biểu nhân dịp khai giảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị đánh giá, đây là một trong những cơ sở đào tạo trọng điểm về ngành nông lâm và hiện tại đã phát triển đa ngành nghề.

Song song với nhiệm vụ đào tạo, nhà trường rất tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng vào sản xuất.

Thứ trưởng đề nghị các em học sinh, sinh viên của nhà trường cần nhận thức rõ xu hướng phát triển của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, sinh viên cần chuyển đổi tư duy cũ, cách học cũ sang tư duy mới, cách học mới phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu của thực tiễn sản xuất.

Các em cần có tình yêu nghề, có tinh thần khởi nghiệp và không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

"Khởi nghiệp không đơn thuần là một sân chơi mà là một hành trình đầy thách thức và thú vị, mang lại cho sinh viên kiến thức và kỹ năng toàn diện.

Đây cũng là môi trường để sinh viên có thể tự khẳng định và khám phá chính mình, dám nghĩ dám làm, từ đó sẽ có nhận thức đúng đắn về tương lai của bản thân.

Hơn hết, khởi nghiệp còn là môi trường kết nối giữa sinh viên, nhà trường, nhà khoa học với doanh nghiệp, doanh nhân để học hỏi chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác.

Từ đó, các em sinh viên có cơ hội hình thành và hiện thực hóa ý tưởng, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm và xây dựng tương lai sau khi tốt nghiệp", Thứ trưởng nói.

Hiệu trưởng nhà trường tặng thưởng thủ khoa và á khoa đầu vào Trường Đại học Lâm nghiệp (Ảnh: Ng. Hoàn).

Trong năm học mới, Thứ trưởng đề nghị nhà trường 4 nhiệm vụ. Thứ nhất, đây phải là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành và cho xã hội.

Nhà trường cần phải tập trung đổi mới mô hình quản trị giáo dục đại học theo hướng lấy nhà trường làm nền tảng; người thầy là chủ thể, là động lực phát triển; người học là trung tâm.

Thứ hai, với đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, số lượng nhiều, nhà trường phải trở thành trung tâm khoa học công nghệ có uy tín, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của lĩnh vực lâm nghiệp.

Thứ ba, tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, phát triển các chương trình đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu của xã hội và xu hướng giáo dục đại học hiện nay.

Thứ tư, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, nhà trường cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế để từng bước khắc phục, đưa đơn vị phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Trường Đại học Lâm nghiệp hiện có khoảng 10 nghìn sinh viên, học sinh ở cả ba cơ sở đào tạo; có khoảng 1.000 cán bộ, giảng viên; trong đó 186 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên.

 Nguồn : Dân trí ( https://dantri.com.vn/giao-duc/hieu-truong-nhan-nhu-sinh-vien-hoc-dai-hoc-cham-chi-thoi-chua-du-20231011144033761.htm? ) 


Chia sẻ

Tin nổi bật