Web Content Display Web Content Display

1. Sứ mệnh

     Đảm nhiệm trọng trách hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển lâm nghiệp bền vững của đất nước; Giữ vai trò chủ đạo trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của xã hội về các lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

2. Tầm nhìn

     Trở thành đơn vị đào tạo đa ngành có uy tín; tiếp cận chuẩn quốc tế và phát huy vị thế hàng đầu ở Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

3. Mục tiêu chiến lược

Phát triển mô hình đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng đa ngành, đa tầng, đa cấp độ và đa loại hình; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập, thực hiện cơ chế tự chủ, tiến tới hoàn toàn tự chủ vào năm 2025; tiếp tục giữ vững và phát huy vị thế hàng đầu của cả nước về quản lý tài nguyên rừng, trở thành đơn vị theo định hướng nghiên cứu và đạt chuẩn khu vực về lâm nghiệp vào năm 2030; giữ vững và từng bước nâng cao vị thế và danh tiếng của các nhóm ngành thế mạnh về tài nguyên và môi trường.

4. Định hướng phát triển cụ thể trong thời gian tới

  • Giữ vững vị trí đầu ngành trong nước và vươn tầm khu vực về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng và môi trường;
  • Đẩy mạnh phát triển theo cơ chế tự chủ, tự quản và tự giải trình;
  • Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, phát triển đào tạo theo hướng đa loại hình, đa bậc và đa cấp độ, đổi mới căn bản nội dung và chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo tính bền vững lâu dài;
  • Không ngừng phát triển các ngành mới trên cơ sở phát huy truyền thống và thế mạnh của Khoa QLTNR&MT.

5. Giá trị cốt lõi

Chất lượng - Vượt trội: Huy động mọi nguồn lực đảm bảo chất lượng dạy và học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tốt nhất; không ngừng cải tiến, đổi mới, áp dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng cao, chất lượng vượt trội, từ đó nâng cao uy tín và thương hiệu của Khoa QLTNR&MT.

Tôn trọng - Chia sẻ: Tôn trọng người học và người lao động, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng tự do học thuật, tôn trọng ý tưởng mới và luôn khuyến khích sự sáng tạo, trân trọng lựa chọn chính đáng của mỗi cá nhân; luôn đề cao chuẩn mực và trách nhiệm, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu phục vụ và dịch vụ tốt nhất cho mỗi người, cho cộng đồng và cho xã hội; luôn lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ tri thức, tình cảm, kinh nghiệm và đồng hành cùng với người học để cùng vươn tới tầm cao.

Truyền thống - Hội nhập: Giữ vững và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của một đơn vị có bề dày thành tích; không ngừng củng cố và hoàn thiện nhằm tạo dựng môi trường học thuật thân thiện, bình đẳng, trong sáng, hội nhập, hướng chuẩn khu vực và quốc tế.

Đa dạng - Bền vững: Kiên định phát triển đào tạo và nghiên cứu theo hướng đa ngành, đa tầng, đa cấp độ và đa loại hình; trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng thích ứng với sự đa dạng về môi trường và điều kiện làm việc, có thể tự tin và thành công trong một thế giới luôn biến đổi; đảm bảo tính đa dạng và bền vững về các sản phẩm khoa học – công nghệ, góp phần đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và cấp bách của xã hội.

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện

VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG – ĐỊA ĐIỂM THỰC TẬP LÝ TƯỞNG DÀNH CHO SINH VIÊN

24 tháng 1, 2021

Vườn quốc gia Cúc Phương (hay rừng Cúc Phương) là Vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập ngày 07 tháng 07 năm 1962 với tổng diện tích 22.200ha. Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận ranh giới của 3 tỉnh thuộc 3 khu vực: Ninh Bình (khu vực Đồng bằng Sông Hồng), Hòa Bình (khu vực Tây Bắc) và Thanh Hóa (khu vực Bắc Trung Bộ).

Trụ sở Vườn Quốc gia Cúc Phương tại Nho Quan – Ninh Bình

Vườn Quốc gia Cúc Phương cách Thủ đô Hà Nội 120km về phía Nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp. Với nhiều cảnh quan thơ mộng, hệ sinh thái đa dạng và các giá trị về văn hoá, lịch sử đã góp phần đưa Cúc Phương trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn. Hàng năm, Vườn Quốc gia Cúc Phương đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế và còn là địa điểm lý tưởng dành cho sinh viên thực tập.

Một số hình ảnh về Vườn quốc gia Cúc Phương:

Rừng Cúc Phương có địa hình đa dạng với nhiều ngọn núi hùng vĩ

Khu vực Hồ Mạc – Điểm nghỉ chân của nhiều du khách

Khu vực nghỉ dưỡng xung quanh Hồ Mạc

Sự kết hợp hoàn hảo giữa các hệ sinh thái rừng tạo cảnh quan thơ mộng tại Cúc Phương

Cúc Phương là điểm thăm quan, học tập lý tưởng cho sinh viên nhiều trường trong đó có sinh viên Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường – Đại học Lâm nghiệp

Sinh viên được trải nghiệm thực tiễn trong từng tiết học

Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động hùng vĩ và thơ mộng: Động Sơn Cung, Động Phò Mã Giáng…Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cách ngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm: Hang Đắng (Động Người Xưa), Hang Con Moong. Năm 2000, Cúc Phương đã phát hiện một hoá thạch của một loài động vật có xương sống. Theo kết luận ban đầu của Viện Cổ sinh học Việt Nam, đây là hoá thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay khoảng 200 đến 230 triệu năm.

Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới thường xanh, Cúc Phương có sự đa dạng sinh học cao về hệ động thực vật. Theo số liệu thống kê của Ban quản lý, Vườn quốc gia Cúc Phương hiện có 1983 loài thực vật bậc cao, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, đặc biệt có nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Sinh viên được học tập, nghiên cứu trong rừng Cúc Phương

Về động vật, Vườn quốc gia Cúc Phương có 110 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 117 loài thú (trong đó có loài Voọc mông trắng - Trachypithecus delacouri là loài thú linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam nên được chọn làm biểu tượng của VQG Cúc Phương). Với hơn 300 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương nên Cúc Phương từ lâu đã trở thành điểm lý tưởng đối với các du khách đam mê và nghiên cứu về chim.

Ngoài sự đa dạng về hệ động thực vật, Vườn quốc gia Cúc Phương còn là địa điểm đang thực hiện thành công hoạt động bảo tồn và phát triển sinh vật rừng. Hiện nay, Vườn quốc gia Cúc Phương có cả hoạt động cứu hộ, bảo tồn và phát triển động thực vật với 5 trung tâm và các chương trình bảo tồn: Trung tâm bảo tồn và phát triển thực vật, Trung tâm bảo tồn hươu nai Cúc Phương, Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, Chương trình bảo tồn thú Linh trưởng, Chương trình bảo tồn rùa.

Trung tâm bảo tồn thực vật có diện tích 167 ha. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã trồng và sưu tập được 811 loài cây quý hiếm phục vụ lưu giữ và bảo tồn nguồn gen. Chương trình bảo tồn Linh trưởng hiện đang cứu hộ và nuôi dưỡng trên 150 cá thể của 12 loài linh trưởng, trong đó có 9 loài sinh sản thành công.

Khu vực cứu hộ, bảo tồn thú Linh trưởng

Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê cứu hộ 6 loài, tái thả trên 100 cá thể, trong đó Cầy vằn và Tê tê đã sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.

Khu vực bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê

Chương trình bảo tồn rùa đang chăm sóc hơn 600 cá thể của 19 loài trong đó đã có 15 loài sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt. Hàng năm, Trung tâm tiến hành thả hàng trăm cá thể rùa trở lại môi trường tự nhiên.

Khu vực bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt

Trung tâm Bảo tồn Hươu nai Cúc Phương nghiên cứu và phát triển 6 loài chim hoang dã (thuộc họ Trĩ), 2 loài hươu nai và nhiều loài thú có giá trị kinh tế khác như: Lợn rừng, Nhím, Don.

Hươu sao được nuôi tại Trung tâm bảo tồn Hươu Nai

Các trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã và đang góp phần bảo tồn và phát triển nhiều loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam và là địa điểm thuận lợi cho sinh viên Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường (trường Đại học Lâm nghiệp) học tập, nghiên cứu.

Sinh viên thực tập quan sát tập tính và chăn nuôi của loài Vượn và Voọc

Sinh viên học nhóm và thảo luận về kiến thức thực tập


Chia sẻ