Thủ tướng tuyên bố đóng cửa rừng

28 tháng 10, 2016
Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh phải thực hiện nhanh gọn, kiên quyết đóng cửa rừng.

Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh phải thực hiện nhanh gọn, kiên quyết đóng cửa rừng.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

Ngày 20/6, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ NN&PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp tổ chức Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%.

Không những diện tích mà cả trữ lượng cũng giảm mạnh. Trong vòng 5 năm đó, trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m 3 , tương ứng giảm 17,4%. Trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%.

Tỉ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là loại nghèo kiệt; các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, chỉ có ở các vùng xa xôi hiểm trở; các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng cũng giảm mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Việc suy giảm rừng ở Tây Nguyên được lý giải qua các nguyên nhân chính là do chuyển đổi rừng và phá rừng. Cụ thể, hiện các địa phương trung vùng Tây Nguyên đã chuyển đổi 111.000 ha đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển 37.800 ha đất rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương (xây thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng…).

Còn lại có 122.900 ha là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Tại Hội nghị các đại biểu nêu lên những guyên nhân của tình trạng phá rừng và làm suy giảm rừng Tây Nguyên là do tác động lớn từ di dân tự do, công tác quản lý bảo vệ rừng yếu kém, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả; việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh…

Do đó, tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng, cụ thể, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014.

Cùng với đó, hiện toàn vùng Tây Nguyên có 2.062 cơ sở chế biến gỗ và đồ mộc, trong khi có tới 1.377 cơ sở sản xuất đồ mộc, thì chỉ có 685 cơ sở chế biến gỗ, đặc biệt là những xưởng chế biến gỗ gần rừng, không gắn với nguồn nguyên liệu đã làm gia tăng tình trạng phá rừng và mua bán gỗ bất hợp pháp tại đây.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Tây nguyên cần phải nhanh chóng thực hiện các giải pháp để sớm khôi phục lại rừng.

Thứ nhất: Các tỉnh phải thực hiện nhanh gọn, kiên quyết đóng cửa rừng.

Thứ 2: Các địa phương không được ra các chủ trương chuyển rừng nghèo, rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, bởi hiện nay nhiều loài cây như cao su, cà phê, hồ tiêu của người dân đang vượt quá diện tích quy hoạch vì vây các địa phương phải tập trung khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng trên cùng diện tích đã canh tác.

Thứ 3: Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc đấu tranh có hiệu quả với tình trạng phá rừng đang diễn ra như hiện nay; làm rõ trách nhiện từng cá nhân, tổ chức để mất rừng tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Cần nghiêm khắc xử lý, điều tra, truy tố, xét xử những tập thể, những cá nhân, những đường dây buôn lậu gỗ, các băng nhóm xã hội có liên quan đến việc phá rừng.

Thứ 4: Các địa phương cần phải rà soát, kiểm tra lại việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, qua đó phát hiện những sai phạm để xử lý nghiêm và tiến hành đóng cửa ngay các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên.

Thứ 5: Tiến hành ngay việc sắp xếp lại các nông lâm trường, ban quản lý rừng, đất rừng; không phát canh thu tô đất rừng và rừng trong khi người dân không có đất trồng rừng.

Quang cảnh Hội nghị

Thứ 6: Ngừng cấp phép các các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng, yêu cầu các dự án thủy điện thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, ngừng hoạt động những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thứ 7: Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên chịu trách nhiệm chính trong việc địa phương để mất rừng; mỗi địa phương cần quán triệt, giao nhiệm vụ công tác bảo vệ rừng từ tỉnh xuống huyện, xã, cấp kinh phí theo và bố trí cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn theo quy định để phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng…

Thứ 8: Thực hiện nghiêm Nghị định 75 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách mà người giữ rừng, người trồng rừng có thể sống được với nghề rừng; chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt việc tôn vinh những tập thể, cá nhân, những lực lượng nòng cốt có liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng; đặc biệt các bộ ngành, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ có giải pháp ngăn chặn hiệu quả nạn di dân tự do.

Nguồn:  www.baomoi.com/thu-tuong-tuyen-bo-dong-cua-rung/c/19665062.epi

Tác giả:  VFU\qltnrvmt

Chia sẻ