Nhóm Giảng viên khoa QLTNR và MT đoạt giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam

6 tháng 8, 2015

Nhóm nghiên cứu bao gồm PGS.TS Phùng Văn Khoa, Ths. Nguyễn Thị Bích Hảo, Ths. Bùi Văn Năng, Ths. Kiều Thị Dương, TS. Vương Duy Hưng, Ths. Trần Thị Hương đã tiến hành nghiên cứ khả năng xử lý ô nhiễm không khí trong phòng của một số loài cây bản địa cho khu vực Thành Phố Hà Nội từ năm 2010 đến 2012.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn xử lý ô nhiễm không khí trong phòng tại khu vực đô thị và công trình nghiên cứu đã được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam trao tặng giải ba của giải thưởng sang tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2014.

 

Theo PGS.TS. Phùng Văn Khoa, Chủ nhiệm khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, trường Đại học Lâm nghiệp, Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội, toluene là một dung môi hữu cơ dễ bay hơi, nó ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Trong nhà, khí toluene có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như sơn, khói thuốc lá, chất tẩy rửa hoặc có thể bị khuếch tán từ ngoài trời vào trong nhà.

 

 

Các Thầy cô tại lễ trao giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2014

 

Ghi nhận của các nhà khoa học cho thấy, trong nhà các hộ gia đình, hàm lượng trên chưa đến mức nguy hiểm. Tuy nhiên, tại những khu nhà mới hoặc gần các nhà máy sản xuất, gần đường giao thông thì hàm lượng khí toluene tương đối cao.

Toluene là một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà rất nguy hiểm. Nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, khiến người ở trong nhà có cảm giác buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt. Khi ở nồng độ cao, khí toluene ảnh hưởng đến não bộ, gây bất tỉnh, thậm chí gây tử vong.

"Việc lựa chọn giải pháp phù hợp giảm thiểu các chất khí độc hại như toluene ở môi trường trong nhà là điều cần thiết và cấp bách. Một trong những giải pháp thân thiện nhất với môi trường đã được biết đến đó là dùng thực vật hấp thu chất ô nhiễm (Phytoremediation) đồng thời có tác dụng làm cảnh đẹp", PGS.TS. Phùng Văn Khoa cho biết.


Chia sẻ